Quỹ TLV Lao Động trao tặng máy bộ đàm liên lạc cho Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim cuối năm 2015. Ảnh: T.TUẤN
Ngư dân được quan tâm, hỗ trợ nhiều
Đang sắp sửa ngư lưới cụ chuẩn bị cùng 4 con trai ra khơi chuyến cuối cùng trong năm để kịp về đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ngư dân Nguyễn Văn Tiến (53 tuổi, trú thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim) – chia sẻ, ông gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim ngay từ ngày đầu thành lập vào tháng 8.2015. “Vào nghiệp đoàn, chúng tôi được quan tâm nhiều hơn. Như cuối năm 2015, tôi được Quỹ TLV Lao Động tặng máy Icom, một số đoàn viên khác thì được tặng máy bộ đàm, số khác có hoàn cảnh khó khăn hơn còn được hỗ trợ thêm tiền mặt…” – ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, bao đời nay khi đánh bắt trên biển thì ngư dân cũng đã có sự giúp đỡ nhau. Nhưng từ khi vào nghiệp đoàn thì tình cảm bạn thuyền được thắt chặt hơn. Các tàu cá trong nghiệp đoàn liên lạc với nhau nhiều hơn để thông tin cho nhau về diễn biến thời tiết, hỗ trợ nhau nhiều hơn khi tàu gặp sự cố, hay bị tàu lạ hăm dọa… Ở trên bờ, giữa các gia đình trong nghiệp đoàn cũng đoàn kết, đi lại, thăm hỏi nhau nhiều hơn.
Mong muốn gia nhập nghiệp đoàn
Ngày 4.1, ông Lê Tiến Hải – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim – cho biết, Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim được thành lập ngày 26.8.2015. Khi thành lập có 217 đoàn viên, nay tăng lên 242 đoàn viên. Nhờ sự quan tâm của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện Lộc Hà nên thời gian qua, Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim đã được hỗ trợ hàng chục máy Icom và bộ đàm trị giá hàng trăm triệu đồng để các đoàn viên thông tin liên lạc cho nhau đảm bảo an toàn khi ra khơi bám biển. Ngoài ra, một số đoàn viên khó khăn được tổ chức công đoàn, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn thăm hỏi, trao quà hỗ trợ thêm.
“Thời gian qua, những ai gia nhập nghiệp đoàn đã được tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nên có nhiều ngư dân làm đơn xin tham gia. Tuy nhiên, do quy chế quy định tất cả những người lao động trên một tàu cá đều phải cùng vào nghiệp đoàn thì mới được chấp thuận, nên đã hạn chế số đoàn viên được vào. Lẽ ra số đoàn viên gia nhập nghiệp đoàn đã lớn hơn hiện nay, nếu không có quy chế đó. Thế nhưng, rõ ràng quy chế đó là cần thiết để đảm bảo quyền lợi, sự đoàn kết thống nhất của các đoàn viên trên một tàu cá” – ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, nhờ gia nhập nghiệp đoàn nghề cá nên tình đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các ngư dân khi đánh bắt trên biển, lúc hoạn nạn được nâng cao. Minh chứng là từ khi thành lập đến nay, có 6 lần tàu, thuyền bị nạn đã được đoàn viên trong nghiệp đoàn ứng cứu thành công, không xảy ra thiệt hại về người và tài sản. “Quy chế của nghiệp đoàn quy định, sẽ trích kinh phí hỗ trợ tương xứng cho tàu nào cứu hộ, lai dắt tàu gặp nạn trên biển vào bờ. Điều đó thiết thực để các tàu giúp đỡ nhau khi gặp nạn” – ông Hải phân tích.
Chủ tịch UBND xã Thạch Kim – ông Hà Minh Tân nói: “Rõ ràng từ khi thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim đến nay, các ngư dân trong nghiệp đoàn nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ tổ chức công đoàn, Quỹ TLV Lao Động. Từ việc hỗ trợ Icom, máy bộ đàm đến thăm hỏi, trao quà động viên đoàn viên khó khăn, gặp nạn… Chúng tôi ghi nhận sự quan tâm giúp đỡ đó của tổ chức công đoàn và mong muốn công đoàn tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để ngư dân thấy rõ ý nghĩa của tổ chức này mà xin gia nhập vào nghiệp đoàn ngày một đông hơn”.
TRẦN TUẤN