Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: “Người lạ mặt” ở dự án cấp nước nghìn tỷ lăng mạ, thu máy ảnh của phóng viên

Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng dù chưa hoàn thành đã đội vốn lên 2.250 tỷ, bên cạnh đó lại có dấu hiệu xuống cấp, nứt nẻ. Khi phóng viên đến ghi nhận thực tế, “người lạ mặt” được cho là bảo vệ công trình này đã ngăn cản, lăng mạ và thu giữ máy ảnh của phóng viên.

Công trình nghìn tỷ xuống cấp

Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dự án thủy lợi và cấp nước đầu tư theo phương thức xã hội hóa đầu tiên tại Việt Nam, đầu tư xây dựng hiện đại cung cấp nước cho khu công nghiệp lớn nhất Hà Tĩnh.

Công trình có vốn ban đầu là 1.850 tỷ đồng, nay chưa hoàn thành nhưng số vốn đã lên 4.400 tỷ đồng (đội vốn 2.550 tỷ đồng), do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng (thuộc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn) làm chủ đầu tư đồng thời là đơn vị trực tiếp thi công.


Đập dâng Lạc Tiến vừa hoàn thành đã xuống cấp ở phần hạ lưu

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016, công suất hơn 1 triệu m3 nước/ngày đêm cung cấp cho các công trình đầu tư lớn ở khu công nghiệp Vũng Áng, Formosa, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy chế biến thép với công suất 15 triệu tấn trên năm…

Đập dâng Lạc Tiến là một hạng mục thuộc Dự án công trình thủy lợi, cấp nước Rào Trổ. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết phải có nước để kịp thời phục vụ cho Khu kinh tế Vũng Áng, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công từ 3 năm xuống 2 năm. Công trình đập dâng Lạc Tiến cơ bản đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Có mặt tại công trình này, PV ghi nhận được tình trạng chân đập bị mưa xói tạo thành những đường xói lớn, thậm chí có chỗ thành một cái hào sâu gần 1m. Mặt sàn đập cũng đã bị rỗ, xuất hiện nhiều vết chắp vá, thậm chí lòi cả sắt thép.Trên hệ thống cột trụ bị tách, đường nứt xuất hiện nhiều.

Được biết, đây cũng là hạng mục nằm trong Dự án cấp nước KKT Vũng Áng vừa bị Thanh tra Chính phủ kiểm tra và vạch ra nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng: Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo) ban đầu, dự án do Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì cho rằng doanh nghiệp này triển khai dự án chậm nên hiện nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao lại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng (thuộc Tập đoàn Hoành Sơn) làm chủ đầu tư.

Điều này thể hiện được việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư và đơn vị thi công không có đủ năng lực dẫn đến làm chậm tiến độ.

Phóng viên bị cản trở tác nghiệp

Ngày 16/9, 2 phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng đã trực tiếp tới công trình đập dâng ở xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để tìm hiểu sự việc. Khi phóng viên đang ghi lại hình ảnh khu vực chân đập dâng Lạc Tiến thì có một thanh niên cởi trần quát nạt, giật máy ảnh và đuổi phóng viên ra khỏi khu vực đi vào nhà điều hành rồi doạ: “ở đây có luật rừng, các anh vào đây thì dễ nhưng ra thì khó”, sau đó đưa máy ảnh vào nhà điều hành khóa lại, đồng thời không cho phóng viên ra khỏi khu vực.


Người đàn ông được cho là bảo vệ tại công trình thu giữ máy ảnh của phóng viên

Sau khi bị đe dọa, phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng đã liên lạc với ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh để thông báo sự việc và đề nghị giúp đỡ để tránh bị hành hung. Ngay sau đó, ông Hoàn gọi cho lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng yêu cầu người đến bảo vệ cho phóng viên.

Lúc này, nhân viên ở đây gọi điện cho một Công an xã đến để lập biên bản vụ việc. Tuy nhiên, đập dâng Lạc Tiến nằm trên địa bàn xã Kỳ Lạc, trong khi đó vị Công an xã đến làm việc lại của xã Kỳ Lâm.

Nhân viên ở đây lập biên bản ghi “Người lạ đột nhập trái phép”, đồng thời có những lời lẽ lăng mạ, sỉ nhục phóng viên chứ không hề đề cập đến việc thu giữ máy ảnh và dọa phóng viên. Do không đúng bản chất sự việc nên phóng viên đã không ký vào biên bản làm việc. Vì biên bản không do đơn vị thứ 3 lập (Công an hoặc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền – PV) và công an xã tham gia ở đó cũng không phải công an xã Kỳ Lạc.

Ngay sau đó, nhân viên quản lý đập dâng Lạc Tiến ra ngoài nghe điện thoại rồi vào đuổi phóng viên ra khỏi cơ quan.

Hiện máy ảnh đang bị giữ tại Nhà điều hành của đập dâng mà không hề có biên bản thu giữ. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm đảm bảo quyền lợi cho phóng viên khi tác nghiệp.

Ngày 20/9, phóng viên đã tới cơ quan công an huyện Kỳ Anh trình báo sự việc.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin sự việc này.

Nhóm PV Miền Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP