Chiều 7/12, thông tin từ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị đã có văn bản đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của 11 doanh nghiệp trên địa bàn do nợ thuế.
Cụ thể gồm: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á, Công ty CP Sông Đà 27, Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Lào, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Hà Tĩnh, Công ty CP Sơn Penmax, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng 36, Công ty CP Xây dựng và Thương mại 388, Công ty TNHH Tiến Phát, Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Tĩnh, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hợp Nhất, Công ty TNHH MTV sắt Vũ Quang.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. |
Theo ông Hồ Văn Châu, Trưởng phòng Quản lý nợ, Cục Thuế Hà Tĩnh, đầu tháng 11/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4031/TCT-QLN về việc tăng cường triển khai các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế. Theo đó, ngành thuế Hà Tĩnh đề xuất thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế. Bước đầu, giải pháp này đã tạo một số chuyển biến tích cực từ phía các doanh nghiệp và công tác thu hồi nợ đọng thuế.
Cục Thuế Hà Tĩnh cũng làm việc với Sở KH&ĐT để xác minh hồ sơ của 11 doanh nghiệp với số tiền thuế nợ 33 tỷ đồng, làm cơ sở áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế bằng hình thức tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang chây ì nộp thuế.
“Có những doanh nghiệp số tiền thuế nợ lớn, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký thuế nhưng hằng tháng vẫn kê khai thuế bằng không. Khi cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phối hợp cung cấp các thông tin để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 “về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước” thì doanh nghiệp không hợp tác (Công ty TNHH MTV sắt Vũ Quang). Tuy nhiên, khi ngành thuế đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp đã nghiêm túc phối hợp với ngành thuế. Đây là biện pháp mạnh, kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế” – ông Hồ Văn Châu – Trưởng phòng Quản lý nợ, Cục Thuế Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Biện pháp “rắn” cấm xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế, bước đầu cho kết quả trong công tác thu hồi nợ đọng thuế |
Theo số liệu của Cục Thuế Hà Tĩnh, đến ngày 31/10/2022, tổng tiền thuế nợ toàn ngành là 941,7 tỷ đồng, chiếm 12% trên tổng dự toán thu ngân sách cả năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, nhờ áp dụng mạnh biện pháp cưỡng chế, Cục Thuế Hà Tĩnh đã thu tiền nợ thuế đạt gần 100 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ toàn ngành xuống còn 5% trên tổng dự toán thu ngân sách cả năm 2022.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Hà Tĩnh đã ban hành hơn 38.600 lượt thông báo đối với hơn 6.000 lượt người nộp thuế với số tiền nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Cục cũng đã ban hành hơn 10.000 lượt quyết định cưỡng chế tài khoản đối với hơn 1.500 người nộp thuế với số tiền nợ bị cưỡng chế hơn 720 tỷ đồng; cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với 102 doanh nghiệp với số tiền thuế bị cưỡng chế 585 tỷ đồng…
Với những biện pháp mạnh, đến nay, Cục Thuế Hà Tĩnh đã thu nợ thuế gần 2.000 tỷ đồng; xử lý nợ thuế do sai sót trong kê khai, thất lạc hồ sơ chứng từ hơn 1.600 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Tĩnh cũng đã thực hiện khoanh nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 cho 2.805 người nộp thuế với số tiền thuế nợ 92,5 tỷ đồng; thực hiện xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 cho 136 người nộp thuế với tổng số tiền thuế chậm nộp 10,8 tỷ đồng.
Tác giả: Diệu Linh
Nguồn tin: congthuong.vn