Lao động Hà Tĩnh làm thủ tục XKLĐ tại Hàn Quốc trong dịp này phải tạm dừng do nhiều lao động khác cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Chờ đợi và hy vọng
Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) được tái khởi động. Theo thống kê chưa đầy đủ từ đầu tháng 6 đến nay, tại Hà Tĩnh đã có hơn 2.100 lao động đăng ký học tiếng Hàn tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều học viên thuộc các huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đang theo học khóa đào tạo tiếng Hàn tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra lo lắng và đều có tâm trạng chờ đợi, hy vọng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Diện (SN 1993) ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) rời quê đi làm thuê ở Hà Nội với đồng lương ít ỏi. Vì muốn thay đổi cuộc sống nên em quyết định đi học tiếng Hàn để có cơ hội sang Hàn Quốc lao động. Diện cho biết: “Trước thông tin dừng tiếp nhận lao động huyện Nghi Xuân đi làm việc ở Hàn Quốc, bản thân em cũng như nhiều học viên đang học tiếng Hàn ở đây cũng băn khoăn, lo lắng. Nhiều bạn đã bỏ về không tiếp tục theo học, tuy nhiên, em vẫn tiếp tục theo học để có kiến thức, hy vọng chờ đợi sang năm và năm tiếp theo”.
Cùng chung tâm trạng, anh Võ Xuân Hào (SN 1991), ở xã Yên Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Anh trai em, hiện đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với thu nhập khá, theo hợp đồng thì đầu năm 2017, sẽ hết hạn và về nước. Vì vậy, nghe tin Hàn Quốc mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, em đã đăng ký học tiếng Hàn để tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào đầu tháng 10 này. Khi biết thông tin, lao động ở Can Lộc không được dự thi tuyển tiếng Hàn do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp, em rất thất vọng, nhưng sẽ tiếp tục hoàn thành khóa học tiếng Hàn, hy vọng có cơ hội thi vào năm sau”.
Còn Chị Lê Thị Hằng ở Kỳ Phú (Kỳ Anh) trăn trở: “Tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình EFS, vậy hàng trăm lao động là nữ giới đang theo học tiếng Hàn tại trung tâm dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đang có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc có được tham gia dự tuyển vào ngành ngư nghiệp hay không”.
Lao động Hà Tĩnh làm thủ tục XKLĐ tại Hàn Quốc trong dịp này phải tạm dừng do nhiều lao động khác cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Cần có những chế tài đủ mạnh
Tháng 5/2016, Bộ LĐTB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận năm 3.500 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình việc làm EPS (dành cho lao động phổ thông) trong năm 2016.
Kỳ vọng về cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc của các lao động Hà Tĩnh vừa mới được nhen nhóm thì ngày 29/7, Bộ LĐTB&XH có Công văn thông báo “Về việc tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình EFS tại một số địa phương”. Theo đó, Hà Tĩnh có 5 huyện nằm trong danh sách này bị tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016 bao gồm các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyện, Kỳ Anh, Can Lộc và Thạch Hà.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm-An toàn Lao động, Sở LĐTB&XH, tính đến hết tháng 6/2016, Hà Tĩnh có 885 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó, huyện có số lượng lớn như huyện Nghi Xuân 403 lao động, chủ yếu tập trung ở xã Cương Gián; Cẩm Xuyên 179 lao động chủ yếu tập trung ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Nam; Thạch Hà 70 lao động.
“Trước tình trạng nhiều lao động Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, từ nhiều năm nay, UBND tỉnh phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước tổ chức hàng chục hội nghị, tuyên truyền vận động, tổ chức các gia đình ký cam kết vận động con em cư trú bất hợp pháp về nước đúng thời hạn. Các cấp, các ngành đã triển khai các biện pháp xử lý, xử phạt các lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc theo Quyết định xử phạt của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, đăng thông tin danh sách lao động cư trú bất hợp pháp trên phương tiện thông tin đại chúng. Với nhiều giải pháp đã được thực hiện để lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước, tuy nhiên vẫn không có hiệu quả”, ông Dũng cho hay.
“Bản thân các gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chưa thực hợp tác với địa phương kêu gọi con em về nước. Một số chính quyền địa phương, tổ chức liên quan được phân công trách nhiệm đã không vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước”, ông Dũng cho biết thêm.
Về mặt khách quan, ông Dũng cho rằng, việc tuyên truyền vận động đang ở trong nước, trong khi đó lao động lại đang ở nước ngoài. Do vậy, không chuyển tải được nội dung tới người lao động. Bên cạnh đó, một số giới chủ ở Hàn Quốc đang bảo lãnh cho NLĐ ở lại làm việc bất hợp pháp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tiến, phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân) cho rằng, hiện nhu cầu được sang Hàn Quốc làm việc của lao động trong xã còn rất lớn. Việc lao động Cương Gián nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung bị tạm dừng thi tuyển tiếng Hàn theo Chương trình EPS là điều thiệt thòi lớn. Trước đó, chính quyền xã cũng đã làm hết cách, hết trách nhiệm, nhưng họ không nghe thì đành chịu.
Thực tế cho thấy, người lao động Việt nam sẵn sàng chấp nhận mọi nguy cơ rủi ro để ở lại bất hợp pháp để làm việc kiếm tiền. “Các cơ quan lên quan của Việt Nam cần phải đề nghị các cơ quan pháp luật Hàn Quốc có những chế tài xử lý mạnh ở nước sở tại để buộc các lao động Việt Nam hồi hương thì may ra mới hạn chế được lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp”, ông Dũng đề nghị.
N.N.V.- N.G-V.V/ Lao động và Xã hội