Kinh tế

Hà Tĩnh nên đến Huế học cách ‘yêu’… bia

Vốn dĩ, người Hà Tĩnh thường bộc trực, thẳng thắn kiểu chặt to kho mặn, trong khi người Huế lại nhẹ nhàng, thâm trầm và sâu lắng.

Còn nhớ cách đây gần một năm, dư luận không chỉ ở Hà Tĩnh, mà cả nước xôn xao về một công văn của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu các cán bộ đẩy mạnh sử dụng bia Sài Gòn.

Động thái này, bị nhiều người đánh giá là bất chấp và thiên vị doanh nghiệp một cách quá lộ liễu. Nó không chỉ khiến các hãng bia khác bức xúc, mà còn có khả năng bị tác dụng ngược, khi người tiêu dùng có thể quay ra tẩy chay sản phảm đó. Bởi lẽ, người ta bảo cái gì ép buộc, dễ nảy sinh dỗi hờn là thế.

Công văn đẩy mạnh uống bia của lãnh đạo một huyện ở Hà Tĩnh.

Vậy hãy đến Huế và xem cách lãnh đạo nơi này, đối xử với “đứa con cưng” bia Huda của họ. Đó không phải là sự nuông chiều mang đậm nét “bảo kê’ như ở Hà Tĩnh. Cách “nuôi dạy con” của Huế ý tứ, sâu sắc và có vẻ hiệu quả hơn nhiều.

Cách làm của Hà Tĩnh, tôi đánh giá là khá thô bạo khi họ “đổ” bia Sài Gòn vào miệng người tiêu dùng một cách độc đoán, núp dưới những văn bản hành chính cứng nhắc. Nó bộc lộ sự ăn xổi ở thì và đầy nóng vội, mong muốn hiệu quả tức thời.

Nhưng mảnh đất Cố đô lại khác, với Huda, Huế có đầy tính chiến lược lâu dài và chiều sâu. Họ không “đổ” bia vào miệng người tiêu dùng, mà mời mọc một cách rất tinh tế.

Hình ảnh Huda ở khắp mọi nơi trong lòng Huế

Huế dựa trên chân lý: Mưa dầm thấm lâu. Bằng hình thức ưu tiên độc quyền quảng cáo, họ nhẹ nhàng khắc ghi vào người dân câu khẩu hiệu vô hình: “Huda là số 1”. Họ mời uống bia (phải là Huda) một cách đầy… dân chủ. Trong binh pháp yêu đương, mấy gã si tình gọi đó là kế “đẹp trai không bằng mặt chai” hay ngày nào cũng gặp ắt hẳn sẽ yêu…

Minh chứng cho kế “chai mặt” kể trên, Huế ưu ái dành hẳn một đoạn đường đẹp nhất của thành phố (đường Lê Lợi, từ cầu Trường Tiền cho đến cầu Phú Xuân) cho riêng Huda.

Đoạn đường Lê Lợi còn được người dân Huế gọi là đường Huda.

Những chiếc cổng chào lộng lẫy ánh đèn khắc tên Huda; những cột đèn trang trí hai bên đường nhấp nháy, lồng ghép tên thương hiệu bia này. Người dân Huế gọi đó là đoạn đường Huda, chắc cũng không sai chút nào.

Và thử tưởng tượng xem, khi ngày nào bạn cũng đi trên đoạn đường ngập tràn hình ảnh “tình thương mến thương” như vậy, sao mà không yêu cho được. Khi đã yêu Huda rồi thì việc gì phải nhớ đến những mối tình ngoại lai khác?

Biểu tượng “Tôi Yêu Huế” với logo Huda ngay giữa trái tim.

Nhắc đến “yêu”, mới đây, lãnh đạo Huế đã cho phép Huda tài trợ xây dựng biểu tượng dòng chữ “Tôi Yêu Huế” ở ngay công viên đẹp nhất nhì thành phố. Bởi đây là công viên nằm ngay bên dòng sông Hương thơ mộng và sát cạnh con đường Lê Lợi – Huda kể trên.

Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như ở chữ “yêu” được cách điệu bằng hình trái tim đỏ sẫm, nhà tài trợ không đặt cái logo bia Huda xanh đặc trưng, án ngữ ngay ở chính giữa. Bởi thế, không biết là sự vô tình hay hữu ý mà khi nhìn vào biểu tượng ấy, người ta vừa có thể đọc “Tôi Yêu Huế”, vừa có thể hiểu “Tôi Yêu Bia Huda Huế”. Đúng là “một mũi tên trúng 2 con chim”. Khá khen cho người nảy ra cái ý tưởng đầy sự thông minh này.

Trào lưu “Tôi…ế” được các bạn trẻ hưởng ứng khá nhiệt tình.

Không chỉ có thế, cái biểu tượng có chữ Huda ấy, còn là một “giáo cụ” rất trực quan, để giúp các bạn trẻ kích thích sự sáng tạo. Thay vì trào lưu selfie, “tự sướng” với “Tôi Yêu Huế”, mấy bạn F.A (cô đơn) lại biến tướng thành trào lưu “Tôi…Ế”. Đúng là, “Tôi Yêu Huda Huế” không chỉ dừng lại ở tính tiếp thị, mà còn mang cả tính giáo dục, văn hóa sinh động.

Đấy, bỏ qua sự nhức mắt, khó chịu bị tra tấn hàng đêm, so với cách làm đầy cứng nhắc của Hà Tĩnh, bản thân tôi đánh giá cao cách làm rất tinh tế của Huế. Lãnh đạo Hà Tĩnh nên đến Huế một lần để học cách “yêu” bia.

Lê Công Thành

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP