Đi dọc các tuyến đường thành phố hay các xã, thị trấn, không khó để bắt gặp những biển hiệu, bảng quảng cáo sai lỗi chính tả. Đơn giản như rửa xe được viết là rữa xe, sửa chữa là sữa chữa, bảo dưỡng là bảo dưởng, duỗi tóc là duổi tóc… Ngay cả trong cách dùng từ cũng có nhiều sai sót, chẳng hạn: khâm liệm được viết khâm lượm, rượu viết thành riệu… Rồi sự lệch chuẩn trong cả cách dùng tên riêng hay tên địa danh: Dũng thành Dụng, Nghĩa thành Nghịa…
Dọc các tuyến đường thành phố hay các xã, thị trấn, không khó để bắt gặp những biển hiệu, bảng quảng cáo sai lỗi chính tả. |
Đây chỉ là số ít trong nhiều lỗi sai mà chúng tôi bắt gặp tại các biển hiệu, bảng quảng cáo ở khắp toàn tỉnh. Sai sót này dường như đang diễn ra tràn lan. Chị Trần Thị Liễu (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bọn trẻ nhà tôi cứ đi qua mấy biển quảng cáo sai chính tả là cứ thắc mắc, chúng bảo nếu ở lớp là đã bị cô giáo phạt. Tôi chỉ lo nhiều đứa trẻ khác hay nhiều người khác thấy như thế sẽ đọc theo, viết theo”.
Ở các biển hiệu chính trị có nội dung tuyên truyền, thông báo hầu hết là những tấm pano cũ kỹ, chữ viết bị mờ, mất hết thanh dấu và chữ cái. Thế nhưng, nó lại được để nguyên từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mà không được chỉnh sửa. Việc này gây ra không ít khó chịu cho người dân và cũng làm ảnh hưởng đến sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Trò chuyện với chúng tôi về tình trạng này, ông Võ Tá Lục – Phó phòng Nghiệp vụ Văn hóa thuộc Sở VH-TT&DL lý giải: “Những sai lầm nêu trên chủ yếu do lỗi đọc sao viết vậy, đặc biệt với ngữ điệu và cách phát âm đặc trưng của người miền Trung chúng ta đa phần sai ở dấu thanh”.
Trong khi đó, việc quản lý các pano, biển hiệu, bảng quảng cáo này lại không hề dễ dàng bởi số lượng biển quảng cáo hiện nay rất nhiều. Sở dĩ thực trạng này diễn ra tràn lan bởi việc xin giấy phép quảng cáo, đặc biệt với các biển quảng cáo nhỏ, lẻ không còn được duy trì ở doanh nghiệp và cá nhân. Mấy năm gần đây, giấy xin phép quảng cáo không còn là điều bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh hay với các hộ gia đình. Chính vì vậy, khi họ có nhu cầu đặt biển quảng cáo thì chỉ cần nêu nội dung với bên làm dịch vụ quảng cáo, thanh toán tiền rồi đưa sản phẩm về. Khi ấy, một mặt người cung cấp (khách hàng) viết sai, mặt khác, bên làm dịch vụ hoặc cũng không phát hiện ra lỗi hoặc biết nhưng không sửa.
Các pano tuyên truyền chính trị được quản lý chặt chẽ với nền đỏ, chữ vàng, lỗi chính tả được kiểm tra kỹ nên hầu như không có sai sót. Còn các biển quảng cáo khác đều do doanh nghiệp và cá nhân tự làm nên khó tránh khỏi lỗi và cũng rất khó kiểm soát.
“Hiện nay, ở sở hay các phòng văn hóa huyện chưa thể kiểm soát hết các pano, biển hiệu, biển quảng cáo sai lỗi chính tả. Đồng thời, việc chỉnh sửa lỗi chỉ được thực hiện khi có sự phản ảnh hay sự kiểm tra trực tiếp tại các tuyến phố, con đường và cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở”, ông Võ Tá Lục cho biết thêm.
Lỗi chính tả không chỉ gây hiểu nhầm, hiểu sai về nghĩa của từ mà còn có thể ảnh hưởng xấu, khiến nhiều người đọc và viết theo, tạo thành thói quen xấu trong việc sử dụng tiếng Việt. Đối với nhà trường và gia đình, cần phải dạy các em viết đúng, viết đủ về từ ngữ, ngữ pháp. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ và có sự đồng bộ hơn nữa trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát các pano, áp phích, bảng quảng cáo trên địa bàn toàn tỉnh.
M.P