38 năm hành nghề cứu người, trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thầy thuốc Đinh Thế Diện được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, nhưng có lẽ với ông, phần thưởng tự hào nhất là được người bệnh trân quý, gọi bằng cái tên “bác sỹ nhân dân”.
38 năm công tác, nghỉ phép 3 ngày
Năm nay thầy thuốc Đinh Thế Diện sẽ nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông bảo với chúng tôi “ông không bỏ nghề được. Chừng nào dân còn cần thì ông sẽ còn làm việc, còn cống hiến”.
Bác sỹ Diện được xem như “thần y” của nhân dân Xuân Hải nói riêng, huyện Nghi Xuân nói chung |
40 năm trước ông Diện học trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh, đến năm 1980 ông ra trường và được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Hải. Trẻ người, non kinh nghiệm, lúc bấy giờ lại chưa có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ trạm trưởng phải làm gì, không được làm gì nên để điều hành công việc ông phải tự mày mò, tích lũy kinh nghiệm. Đồng lương nuôi bản thân được tính bằng 10kg thóc/tháng. Đến năm 1996 ông học tiếp lên đại học rồi trở về công tác ổn định tại Trạm Y tế Xuân Hải đến bây giờ.
Suốt thời gian đương nhiệm, chưa một ngày ông ngưng nghỉ học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao tay nghề, thậm chí dù đã biết ngày “rời ghế” nhưng ông vẫn đăng ký học thêm lớp học về điện tim, siêu âm, xét nghiệm để phục vụ bệnh nhân.
“38 năm công tác, tôi chỉ nghỉ phép 3 ngày chăm mẹ vợ ốm. Ngày vợ tôi sinh đứa con gái thứ 2, tôi để vợ ở trạm xá nhờ cán bộ khác trực, còn tôi phải đến nhà một bệnh nhân khác trực cấp cứu qua đêm. Sáng hôm sau về đã “mẹ tròn con vuông”, lúc ấy nhìn vợ con tôi thấy mình thật có lỗi”, người đàn ông sống chết vì người bệnh kể lại giọng áy náy.
Đôi chân tập tễnh vì tai nạn nhưng ông vẫn ngày ngày leo lên leo xuống cầu thang mấy chục lượt để thăm khám cho bệnh nhân. Sự tận tụy của ông được người dân xã bãi ngang Xuân Hải nói riêng, Nghi Xuân nói riêng ghi nhận, đền đáp bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Nói đến đây, ông lại xem là “của hiếm” về đức tính liêm khiết khi mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm và bệnh nhân đều được ông xung công quỹ thông qua tài khoản UBND xã Xuân Hải.
Ông Diện kể, nhiều bệnh nhân sau khi được ông chữa khỏi bệnh ngỏ ý muốn trả ơn ông nhưng ông chỉ xin cho tập thể trạm, đó là những bộ bàn ghế, trang thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh.
Ông là người luôn gác việc nhà lo việc bệnh nhân |
Thậm chí, một số nhà hảo tâm như chị Trần Thị Khánh Toàn, ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An); anh Tuấn, Việt kiều Ba Lan... vì nể phục y đức của ông tình nguyện hỗ trợ từ 50-300 triệu đồng giúp trạm xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.
Cứu sống nhiều bệnh nhân hấp hối
Chỉ là một bác sỹ ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nhưng vì sao ông lại được dân tin, dân mến như vậy? Tôi đặt câu hỏi giữa đông đảo cán bộ Phòng Y tế huyện Nghi Xuân và nhân viên Trạm Y tế Xuân Hải. Tất cả đều nở nụ cười nhìn vào “thầy thuốc nhân dân” Đinh Thế Diện bảo: “Đó là bác sỹ có tâm, có tầm. Ông giúp người bệnh âm thầm, không đòi hỏi sự báo đáp nên mới được dân tin yêu, các thế hệ y bác sỹ trên địa bàn huyện kính nể xem là người “anh cả” để noi gương học tập”.
Ông Diện khiêm tốn cho hay, ngoài sử dụng các hiết bị máy móc để thăm khám, ông dùng thêm phương pháp “tứ chẩn”: vọng, văn, vấn, thiết để bắt bệnh và chữa bệnh theo phác đồ đông tây y kết hợp và quan trọng nhất là tạo cho người bệnh có thêm niềm tin để chống chọi bệnh tật.
Trong khoảng thời gian có hạn, bác sỹ Diện không thể nhớ hết những ca bệnh được cứu sống thần kỳ nhưng có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như câu chuyện bà Võ Thị Hợn, thôn Hải Vân, xã Xuân Hải. Năm 1987, bà Hợn được bệnh viện ở trung ương chẩn đoán bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, đến giờ phút hấp hối người nhà nhờ ông Diện đến bắt mạch xem “giờ chết” để chuẩn bị. Lúc này, ông bảo bà chưa chết và xin gia đình cho thời gian 3 ngày để điều trị, hết thời gian này bà Hợn ăn được cháo, tinh thần phấn khởi. Tiếp tục điều trị thêm một tuần thì bệnh nhân này khỏi hẳn và sống đến năm 2016 (93 tuổi) qua đời vì tuổi già.
Nhiều bệnh nhân đứng trước cánh cửa tử thần được ông cứu sống thần kỳ |
Câu chuyện thứ 2 là anh Hoàng Đình Thông, thôn Hải Lục. Bệnh nhân Thông được BV Đa khoa Cửa Đông (Nghệ An) kết luận ung thư tủy, trở về nhà trong tuyệt vọng. Khi tìm đến ông Diện, ông động viên, tạo cho họ niềm tin có thể bệnh chưa đến mức di căn rồi tiến hành điều trị cho anh Thông theo phác đồ điều trị bệnh áp xe tủy, kết quả anh Thông khỏe mạnh hoàn toàn.
Hay như câu chuyện hết sức đau lòng ông Diện không muốn nhắc lại là trường hợp một cặp vợ chồng trong xã sinh con gái chưa đủ ngày đủ tháng, yếu ớt, còi cọc. Vì nghĩ con không thể sống được nên cặp vợ chồng này đặt chiếu để con giữa sân, chờ lúc tắt thở. Chứng kiến như vậy ông Diện đến khuyên can, hỗ trợ chăm sóc, thuốc men, theo thời gian bé gái lớn lên khỏe mạnh, nay đã lập gia đình có cuộc sống hạnh phúc.
“Nhiều bệnh nhân, thậm chí có những người ở tận các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, TP Vinh (Nghệ An) bây giờ hễ gặp tôi là tay bắt mặt mừng nói lời cảm ơn. Tôi thấy vui vì điều đó và cũng tự nhủ sẽ tiếp tục chữa bệnh cứu người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”, bác sỹ Diện nói trước khi chia tay chúng tôi.
Năm 2017, ông Đinh Thế Diện được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh, huyện, xã. Hiện, các cơ quan chức năng đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III cho bác sỹ Diện.
Trong chuyến công tác mới đây, khi đến thăm Trạm Y tế Xuân Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đều ghi nhận, đánh giá rất cao đóng góp của bác sỹ Đinh Thế Diện đối với ngành y tế. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn bác sỹ Diện sẽ tiếp tục là người “thầy thuốc nhân dân”, luôn hết mình vì người bệnh, để làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam