Đầu năm 2009, Công ty cao su Hương Khê thực hiện san ủy mặt bằng diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảnh 6, TK 200, xã Hương Giang để trồng rừng. Tuy nhiên, ngày 3/3/2009 hộ ông Lê Hữu Chí tổ chức một số người đến chiếm diện tích rừng này, đào hố trồng keo lá tràm.
Công ty đã nhiều lần hòa giải nhưng bất thành.
Ngày 2/8/2010, Công ty cao su Hương Khê chính thức có đơn khởi kiện hộ ông Chí.
TAND các cấp sơ thẩm, phúc thẩm và văn bản của TAND tối cao đều khẳng định, hộ ông Chí canh tác trên diện tích 7ha, TK 200 là vi phạm pháp luật. |
Quá trình xét xử cho thấy, nguồn gốc sử dụng đất của Công ty cao su Hương Khê được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và Hà Tĩnh công nhận thông qua các Quyết định số 2134/QĐUB ngày 16/11/1990; Quyết định 1608, ngày 11/12/1993; Quyết định 515, ngày 29/4/1997; Quyết định 598, ngày 27/5/1998. Tính chung trong giai đoạn từ 1990 – 2003, TK 200 liên tục thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty cao su Hương Khê.
Năm 2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 17, ngày 6/1/2003 về việc cấp GCNQSDĐ cho Cty cao su Hương Khê, trong đó có TK 200. Ngoài ra, trong biên bản xác minh của xã Hương Giang năm 2011 cũng xác định, toàn bộ đất lâm nghiệp tại TK 200 thuộc quyền sử dụng của Công ty cao su Hương Khê.
Mặt khác, phía bị đơn là hộ ông Chí đưa ra “Đơn xin nhận đất khoảng rừng” ngày 30/7/1992. Tuy nhiên, bản khai và các ý kiến tại phiên tòa đều không có giá trị pháp lý chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp đối với lô đất 7ha ở TK 200. Vì vậy, việc ông Chí cho rằng đất đang tranh chấp là của gia đình ông là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận.
Dựa vào các căn cứ trên, ngày 27/5/2011 TAND huyện Hương Khê tuyên án bản án sơ thẩm số 01/2011/DS-ST với nội dung: “Chấp nhận đơn khởi kiện của Cty cao su Hương Khê – Hà Tĩnh. Buộc ông Lê Hữu Chí và bà Phan Thị Thu phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảng 6, TK 200 xã Hương Giang để trả lại mặt bằng cho Cty cao su Hương Khê. Ghi nhận việc Cty cao su Hương Khê tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí số tiền 25 triệu đồng về khoản khi phí di dời cây”.
Ông Chí trồng keo trên diện tích chưa thi hành án |
Hộ ông Chí kháng cáo bản án sơ thẩm này. Ngày 28/8/2011 TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án phúc thẩm và vẫn “giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST/2011, ngày 27/5/2011 của TAND huyện Hương Khê”.
Hộ ông Chí tiếp tục gửi đơn kháng án lên TAND tối cao.
Ngày 2/6/2014, TAND tối cao đã có thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Chí. Thông báo khẳng định: “Không có cơ sở xác định ông Chí đã được giao phần đất 7ha từ năm 1992, mà đất này thuộc quyền sở hữu của Công ty cao su Hương Khê nên việc ông bà lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của Công ty cao su Hương Khê là không đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông bà phải di dời cây keo để trả lại đất cho công ty cao su Hương Khê, ghi nhận việc Công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông bà 25 triệu đồng chi phí di dời cây là phù hợp. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm”.
Ngày 19/12/2014 Chi cục thi hành án dân sự Hương Khê đã ra Quyết định “cưỡng chế theo bản án dân sự phúc thẩm số 13-DSPT ngày 26/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh”.
Thời gian thi hành án quy định sau tết âm lịch (tức ngày 26/3/2015. Tuy nhiên, Quyết định cưỡng chế có hiệu lựcnhưng sau nhiều năm trôi qua vẫn không thể thực thi nổi bản án.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng “bất lực” trước đủ lý do né tránh thi hành án của cơ quan thi hành án huyện Hương Khê |
Do bản án không được thực hiện, cho đến nay gia đình ông Chí vẫn đang sử dụng bất hợp pháp số diện tích đất tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
(còn tiếp)
Mai Nguyễn – Q. Duy