Tin

Hà Tĩnh: Khu dân cư nhiều năm bị tra tấn bởi chất thải gia súc

Thời gian qua Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường  liên tục nhận được phản ánh của người dân thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) về việc bà con đã và đang phải sống chung với ô nhiễm từ những hộ dân nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư. Hàng chục con bò, lợn mỗi ngày thải ra một lượng lớn chất thải, phả mùi hôi thối ám ảnh từng bữa cơm, giấc ngủ của người dân.
“Sống chung” với bò, lợn

Khu đất gia đình anh Phạm Văn Thành tại thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà rộng chỉ khoảng gần 400m2, thế nhưng nhiều năm nay ngoài việc xây dựng nhà cửa kiên cố gia đình anh còn làm chuồng nuôi nhốt hơn chục con bò thịt. Có mặt tại khu vực chăn nuôi của gia đình anh Thành khiến chúng tôi ớn lạnh khi chứng kiến nơi ở giữa người và vật nuôi sống chỉ cách nhau vài ba bước chân.

hatinh (2)
Nước thải, phân bò từ các hộ chăn nuôi xả trực tiếp ra mương thoát nước sinh hoạt cộng đồng

Mặc dù sống trong khu dân cư đông đúc nhưng nguồn thải từ chăn nuôi được hộ gia đình anh Thành xã thẳng ra mương nước thải sinh hoạt của cộng đồng. Hàng trăm hộ dân trong thôn vì thế phải chịu cảnh “tra tấn”, mùi  hôi thối do nước thải, phân bò ứ động cứ ám ảnh đến bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày.

“Bà con ở đây ai cũng phản ánh, bức xúc với tình cảnh sống chung với vật nuôi. Họ xã chất thải chăn nuôi quanh năm suốt tháng ra mương nước thải cộng đồng thì không ai chịu nổi được. Chúng tôi không thể sinh sống yên ổn vì hằng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối phát ra, ăn không ngon, ngủ không yên”, chị N. H. L bức xúc.

Nước thải, phân bò từ các hộ chăn nuôi xả trực tiếp ra mương thoát nước sinh hoạt cộng đồng
Nước thải, phân bò từ các hộ chăn nuôi xả trực tiếp ra mương thoát nước sinh hoạt cộng đồng

Một hộ dân khác bức xúc cho biết thêm, cứ thấy mương nước tắc nghẽn là hộ chăn nuôi họ lại cho người nạo vét lên hai bên bờ đường. Nhà có được che đậy kín mấy cũng không cản được mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà. Bà con ai cũng mong các cơ quan chức năng làm quyết liệt để dẹp bỏ tình trạng nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư, để người dân an tâm sinh sống.

Không chỉ có vậy, nguồn nước thải chăn nuôi đang đe dọa trực tiếp đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt. “Nước sinh hoạt chủ yếu sử dụng từ giếng đào nhưng do lo ngại ô nhiễm nên nhiều gia đình đã bỏ hoang, phải đi xin nước ở những nơi khác về dùng”- Người dân phản ánh thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm, đã nhiều lần trình bày vấn đề này lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy động thái xử lý.

Ngoài hộ anh Thành, qua tìm hiểu tại thôn Thanh Hòa chúng tôi phát hiện nhiều hộ gia đình có hình thức chăn nuôi tương tự. Quan sát khu vực chăn nuôi hầu hết chất thải xả trực tiếp tràn lan ra môi trường, phần còn lại một số hộ có xây dựng học để chứa phân. Phân sau khi được được dồn đống được người dân cho biết thải ra đồng ruộng.

Hàng chục con bò được nuôi nhốt cách nơi sinh hoạt của gia đình anh Thành chỉ một bức tường
Hàng chục con bò được nuôi nhốt cách nơi sinh hoạt của gia đình anh Thành chỉ một bức tường

Người dân chịu ô nhiễm đến bao giờ…?

Dù chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra, đầu tư cơ sở hạ tầng khu giết mổ tập trung gia súc, gia cầm từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ dân tại thôn Thanh Hòa vẫn duy trì nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư, bình quân mỗi hộ có 2-3 con bò, heo, hộ nào nhiều từ 10- 30 con gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Người chăn nuôi ở thôn Thanh Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận khi trao đổi với phóng viên, mặc dù vẫn nhận thức được việc chăn nuôi trong khu dân cư là không đủ điều kiện về đảm bảo môi trường, nhưng nhiều gia đình không có lựa chọn nào khác để mưu sinh.

Phân thải gia súc tấp đống tại ruộng lúa
Phân thải gia súc tấp đống tại ruộng lúa

Làm rõ nguyên nhân chúng tôi được biết, mặc dù ở khu vực nông thôn nhưng mật độ dân cư tại thôn Thanh Hòa đất chật người đông, nhà nào rộng thì được 300-400m2 đất ở, đất sản xuất canh tác ít. Vì vậy, ngoài sử dụng đất để xây dựng nhà kiên cố thì phần dư thừa còn lại được một số hộ gia đình tận dụng để nuôi nhốt gia súc như lợn, bò vỗ béo, tập trung chủ yếu vào một số hộ dân hành nghề giết mổ gia súc.

Trao đổi với ông Phan Văn Châu – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, cho biết: “Từ khi người dân có phản ánh chúng tôi đã cử cán bộ chuyên trách xuống trực tiếp kiểm tra, địa phương cũng đã vận động người dân dừng chăn nuôi trong khu dân cư để đảm bảo môi trường phường. Tuy nhiên, hiện nay còn một ít hộ vẫn duy trì thói quen chưa chịu chấp hành…”.

Phân thải gia súc tấp đống tại ruộng lúa
Phân thải gia súc tấp đống tại ruộng lúa

Được biết, thực trạng trên UBND xã Phù Lưu cũng đã kiến nghị UBND huyện Lộc Hà chấp thuận đầu tư xây dựng khu vực giết mổ tập trung xa khu vực dân cư, đảm bảo môi trường cho hoạt động. Đến nay công trình đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng, khắc phục được tình trạng giết mổ gia súc tự do tại hộ gia đình. “Còn vấn đề nuôi nhốt gia súc trong khu dân tới đây sẽ tiếp tục vận động để người dân tự giác chấp hành, nếu không sẽ có biện pháp mạnh để đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân xung quanh…”, ông Châu khẳng định như vậy.

Bài & ảnh: Đức Cảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP