Hạ tầng tại huyện Cẩm Xuyên chưa đáp ứng được việc neo đậu tránh trú, giao thương buôn bán của tàu xa bờ |
Ngày 2/2/2018 Nghị định (NĐ) 17 ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã làm thay đổi hoàn toàn chiến lược phát triển đội tàu xa bờ của cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Điều 4 - Nghị định 67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Để đóng một con tàu vỏ thép chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư, số tiền còn lại ngân hàng thương mại sẽ cho vay, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 17 có hiệu lực, chủ tàu phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần sau đầu tư với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Ông Bùi Đình Hải, cán bộ phòng quản lý tàu cá (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) khẳng định: “Rất khó để triển khai Nghị định 17 tại địa bàn Hà Tĩnh. Bởi, đại bộ phận ngư dân Hà Tĩnh không đủ tiềm lực đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu cá sau đó mới lấy chính sách hỗ trợ”.
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho rằng, chính sách đóng mới tàu theo NĐ 17 chỉ thuận lợi cho những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, còn hộ gia đình thì rất khó. Ông Hà phân tích, để đóng một tàu cá 800 – 1.000 CV cần 12 – 15 tỷ đồng, thậm chí có những tàu lên đến 18 – 20 tỷ đồng, trong khi từ trước đến nay ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt vùng lộng, đội tàu xa khơi cũng tám, chín phần đi tàu vỏ gỗ công suất nhỏ nên số tiền tích góp được sau mỗi chuyến vươn khơi không đáng kể. Vì thế, để tìm được nhân tố là hộ gia đình có đủ tiềm lực đóng nguyên con tàu trước khi nhận hỗ trợ đúng là “của hiếm”.
“Hiện toàn huyện mới đóng được một chiếc theo NĐ 67; một hộ làm thủ tục vay vốn nhưng ngân hàng từ chối cho vay vì phương án sản xuất không đảm bảo hiệu quả”, ông Hà thông tin.
Lý giải nguyên nhân Cẩm Xuyên khó phát triển đội tàu xa bờ, ông Lê Ngọc Hà cho biết, ngoài vấn đề về nguồn vốn, hạ tầng cảng cá của huyện không đáp ứng được việc neo đậu tránh trú, giao thương buôn bán của chủ tàu; khả năng quản trị của ngư dân trong việc hạch toán kinh tế, xác định ngư trường, đầu ra cho sản phẩm... cũng khó đáp ứng được khi đi một con tàu lớn. “Chiếc tàu vỏ thép duy nhất của huyện muốn vào khu tránh trú bão Minh Hải, xã Cẩm Nhượng phải đi vòng qua một dãy núi lớn nên mỗi lần về chủ tàu phải đi neo đậu nhờ ở cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà), cách nhà hơn 20 hải lý, rất bất tiện và tốn kém”, ông Hà nói.
Việc phát triển đội tàu xa bờ theo NĐ 17 tại Hà Tĩnh là cực kỳ khó |
Trao đổi với NNVN, bà Bùi Thị Huệ, Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh) cho hay, năm 2015 Chính phủ ban hành NĐ 89 đã có quy định, hỗ trợ đóng mới tàu cá với định mức còn cao hơn NĐ 17, tuy nhiên hầu hết ngư dân cũng không mặn mà, bởi nguồn lực đầu tư ban đầu của bà con là khá hạn chế. Khi thực hiện đóng mới tàu theo NĐ 67 để xoay xở 5% vốn đối ứng đã khó nay thực hiện theo NĐ 17 ngư dân phải bỏ 100% vốn đóng tàu ngay từ đầu thì càng khó làm hơn. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy nguyện vọng của bà con vẫn muốn vay vốn đóng mới tàu theo NĐ 67”, bà Huệ nói.
Theo vị Trưởng phòng này, trong số 10 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt có 5 tàu ngân hàng thương mại chưa nhận được hồ sơ; 4 tàu ngân hàng từ chối cho vay và 1 tàu đang trình cấp trên thẩm định.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 3.939 tàu với hơn 14 nghìn lao động tham gia khai thác thủy sản; trong đó, 375 tàu đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng khai thác đến thời điểm này ước đạt gần 15.000 tấn, trị giá 564 tỷ đồng; trong đó, khai thác biển 13.022 tấn; khai thác nội địa hơn 1.900 tấn.
Tác giả: THANH NGA – THANH TÂM
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam