Nói là 2 DN nhưng thực tế chỉ có Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, vì thế nguồn cung hầu hết vẫn dựa vào các DN ngoại tỉnh.
Tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, cung ứng giống lúa trên địa bàn |
“Nếu là giống trong tỉnh cung ứng thì công tác kiểm tra, giám sát còn chặt chẽ. Với giống ngoại tỉnh, cứ sát lịch thời vụ mới đưa về lại phân tán ở nhiều địa điểm, qua nhiều đầu mối và hầu như không có kế hoạch hay thông báo cho ngành nên việc kiểm tra, lấy mẫu kiểm định chất lượng cùng một lúc vô cùng khó khăn”, ông Lê Tùng Dương cho biết.
Ví dụ cụ thể là lô giống hỗ trợ thiệt hại vụ xuân hơn 400 tấn vừa qua. Mặc dù đã có thông báo nhưng vì người ít nên để lấy mẫu kiểm định chất lượng, anh em phải chia đoàn đến huyện A lấy mẫu xong chạy sang huyện B, thị xã C...
Theo bà Trần Thị Lài, PGĐ Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho hay, để cho ra một “giống lúa ưu tú” trực tiếp ở Hà Tĩnh khó khăn hơn nhiều so với các tỉnh khác vì điều kiện thời tiết nắng lắm, mưa nhiều; đất đai cằn cỗi; một số nông dân không còn mặn mà với nông nghiệp, sản xuất có phần tùy tiện.
Vì thế, ngoài bám sát quy trình của Bộ NN-PTNT, hàng năm Cty mời Trung tâm KKN giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia vào kiểm tra, kiểm định từng cánh đồng, lô giống. Quy trình sản xuất chú trọng nhất là chỉ đạo, giám sát trên đồng ruộng; đồng thời tập huấn kỹ thuật nhân giống nguyên chủng cho nông dân...
Đối với những lô giống hợp các với các DN ngoại tỉnh, trước khi nhập kho, Cty “test” các chỉ tiêu hạt giống đảm bảo chất lượng như: độ sạch, độ lẫn, tỷ lệ nảy mầm, sâu bệnh... Nếu lô nào chưa đạt trả lại ngay, không vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm bừa.
Một khó khăn khác là một số địa phương có chính sách phát triển cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa nên trực tiếp lấy giống qua các Cty, khi vận chuyển về không có kho bảo quản, huyện cũng không kiểm soát chặt chẽ lượng giống này, thậm chí cũng không lấy mẫu thử tỷ lệ nảy mầm nên rủi ro khá cao.
“Ngoài đầu mối huyện, một số xã ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc cũng đứng ra “bao” giống cho dân mà không kiểm soát được các tiêu chí đảm bảo lô giống ấy chất lượng, gây nguy cơ thiệt hại cho bà con”, ông Dương nói thêm.
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nhấn mạnh: “Đối với những giống Cty ngoại tỉnh sản xuất khi cung ứng vào Hà Tĩnh cần đi đường lớn. Như vậy sẽ thắt chặt được việc quản lý chất lượng, còn kiểu đi ngang, đi tắt thì rất khó”. |
Tác giả: PV - KIM CHI
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam