Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, công tác đào tạo nghề trong hệ thống các trường dạy nghề phải có sự đột phá, bên cạnh đó cần tăng tính chủ động, tích cực của doanh nghiệp đối với quá trình liên kết cùng cơ sở dạy nghề trong việc đào tạo.
Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay
Theo điều tra xã hội học, nguồn nhân lực của nước ta hiện nay đã cải thiện hơn so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, chất lượng của nguồn nhân lực vốn được xem là khâu then chốt để nâng cao tính bền vững của nền kinh tế, của phát triển xã hội thì vẫn còn nhiều hạn chế hay nói đúng hơn là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Chính vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam với chỉ số ước đạt 55% lao động có tay nghề cao, nhằm đáp ứng trước thách thức của nền kinh tế thị trường. Thông qua chiến lược này, Chính phủ kỳ vọng người lao động có đủ trình độ, độ nhạy cảm đối mặt với một thách thức rất lớn là môi trường làm việc mang tính cạnh tranh. Cạnh tranh với lao động trong nước và cạnh tranh với lao động nước ngoài, khi tham gia vào quá trình xuất khẩu lao động hay khi lao động nước ngoài trực tiếp vào làm việc tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, công tác dạy nghề nói chung đã từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề cung cấp cho các doanh nghiệp và thị trường lao động. Trên thực tế, không ít người lao động có nghề đã đảm nhận được các vị trí công việc chủ chốt trong sản xuất, kể cả những ngành thuộc lĩnh vực đặc thù, công nghệ cao. Nhưng như vậy chưa đủ, để hội nhập sâu rộng, để có thể làm chủ công nghệ tiên tiến, hoặc xuất khẩu lao động, các trường nghề rất cần trang bị cho học viên những kiến thức phù hợp, để học viên có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Song, đó mới chỉ là những kế hoạch được nêu trong các báo cáo, còn thực chất chất lượng đào tạo nghề hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Ngoài việc các trường đại học, cao đẳng ồ ạt mở rộng đào tạo đến cả bậc trung cấp nghề, thì hầu hết trang thiết bị của các trường nghề đều rơi vào tình trạng lạc hậu. Có những trường nghề hiện nay còn dùng các loại máy móc những năm 60 – 70 của thế kỷ 20 được nhập từ các nước Ðông Âu thì làm sao đáp ứng được nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng chưa thật sự đủ mạnh để có thể truyền nghề cho học sinh của mình. Từ thực tiễn công tác đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng, chúng ta có thể nhận thấy một nghịch lý tồn tại hiển nhiên “thừa thầy thiếu thợ”, chưa kể tâm lý học trung cấp rất khó tìm được việc làm, nếu có thu nhập cũng ở mức rất thấp.
Ðào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp
Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng chiến lược phát triển dạy nghề, với hy vọng tạo một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hệ thống dạy nghề từ phía cung sang phía cầu. Ðào tạo gắn chặt với nhu cầu của các doanh nghiệp, của thị trường. Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề. Tức là thay vì họ đứng ngoài, thụ động thì họ phải là một chủ thể tích cực trong quá trình đào tạo. Vai trò của hệ thống đào tạo nghề hiện nay rất quan trọng với sự phát triển nguồn nhân lực nói chung, đòi hỏi chương trình ngày càng thích ứng với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, công nghệ tương thích với công nghệ của doanh nghiệp. Có như vậy, người lao động sau khi đào tạo mới thích ứng được với công việc.
Chính vì vậy, đào tạo nghề hiện nay là phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của DN là trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề. Nếu DN kết hợp với cơ sở đào tạo, tham gia vào quá trình đào tạo thì rất tốt cho cả xã hội và doanh nghiệp nói chung. Ðối với cơ sở dạy nghề, rất khó để có thể có đủ thiết bị đáp ứng quá trình đào tạo. Do đó, việc kết hợp giữa DN với cơ sở dạy nghề vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cung cấp thiết bị để học viên thực hành. Xét về góc độ lý thuyết, việc kết hợp này đôi bên cùng có lợi. Nhà trường thì gắn với thực tế công nghệ của DN. Còn DN giúp tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của quá trình đào tạo giúp nhà trường điều chỉnh hoạt động đào tạo. Chi phí xã hội được tiết kiệm mà hiệu quả xã hội nâng lên.
Hiện nay có rất nhiều hình thức kết hợp, DN đặt hàng cho các cơ sở đào tạo, nhận sinh viên vào thực tập, tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo (trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, cử chuyên gia, kỹ thuật viên đến đào tạo tại trường, tham gia vào quá trình đánh giá học sinh, đánh giá cuối khóa học, nhận người làm việc trong doanh nghiệp).
Trong Luật Dạy nghề đã nêu rất rõ quyền và nghĩa vụ của DN. Quyền là được mở cơ sở dạy nghề, được tham gia quá trình đào tạo. Nhưng nghĩa vụ của DN là phải cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của mình, về quy mô, về cơ cấu, về trình độ đào tạo để cung cấp cho các cơ sở dạy nghề để các cơ sở này đáp ứng.
Luật cũng nói rõ DN khi mở cơ sở dạy nghề sẽ được miễn thuế về sử dụng đất, nhập khẩu trang thiết bị cho dạy nghề. Ðiều này đã được quy định trong luật. Tuy nhiên, giữa quy định và thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là trong điều kiện thắt chặt tài chính tiền tệ, bản thân DN hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên việc mở thêm loại hình đào tạo nghề vẫn chưa được chú trọng, cho dù nó mang lại lợi ích là cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ.
Tuy nhiên, Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp có thể mở các cơ sở đào tạo của chính doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp, gián tiếp vào quá trình đào tạo thông qua hình thức góp quỹ. Doanh nghiệp khi đã tham gia góp quỹ sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp. Xét về mặt vĩ mô, vai trò của doanh nghiệp sẽ tăng lên trong việc tham gia vào hoạch định chính sách, định hướng kế hoạch đào tạo nghề: như đề ra danh mục nghề, quy mô, yêu cầu cần đào tạo. Các cơ sở đào tạo nghề cứ đáp ứng theo những chương trình đặt sẵn mà vận hành guồng máy của mình. Kết thúc quá trình đào tạo, DN sẽ được nhận những sản phẩm phù hợp. Như vậy, sự kết hợp này, xét về mọi mặt đều có thể đem lại lợi ích tích cực cho người lao động. Tuy nhiên, để quá trình hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp mang tính bền vững, rất cần các bên liên quan cùng tích cực tham gia, nếu chỉ từ một phía ắt sẽ không thể thành công, và thực tế đã chứng minh điều đó. Chúng ta đang quá thừa thầy mà thiếu đi những người thợ thật sự có tay nghề.
NGỌC SƠN
Nhân Dân