“Nhức mắt” với qui định “lạ”
Qui định về dạy thêm học thêm của Bộ GD – ĐT (tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012) vốn đã nhiêu khê (như qui định cấp giấy phép dạy thêm, yêu cầu GV muốn dạy thêm phải viết đơn, 2 năm hết hạn phải xin gia hạn giấy phép; xin giấy chứng nhận sức khoẻ…); thế nhưng chưa thấm vào đâu so với việc các tỉnh, các Sở GD – ĐT tiếp tục “cụ thể hoá” Thông tư 17 của Bộ, trong đó có nhiều qui định trái luật làm GV và HS chỉ biết kêu trời.
Qui định dạy thêm của tỉnh Hà Tĩnh và Sở GD – ĐT Hà Tĩnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành qui định (số 2942 ngày 10/10/2012) với các qui định được “vẽ” thêm như: thời gian mỗi buổi dạy thêm là 3 tiết, tương đương với 135 phút; qui định dạy thêm mỗi môn không quá 1 buổi/tuần khi dạy trong trường và không quá 2 buổi/ tuần khi dạy thêm ngoài nhà trường; không dạy thêm vào thời gian từ 17 đến 19 h, không được dạy vào ngày chủ nhật.
Khi ban hành các qui định “lạ” nói trên, hình như các cơ quan công quyền của Hà Tĩnh đã “quên” luật Lao động; trong bộ luật này, không có điều khoản nào qui định người lao động không được làm thêm vào ngày chủ nhật, cũng như làm thêm vào thời điểm 17 đến 19 h hàng ngày.
Còn vào ngày chủ nhật, học thêm hay đi chơi là quyền của trẻ (học sinh), đã được qui định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không ai có quyền cấm hay ép buộc này nọ. Học thêm, dạy thêm một tuần mấy buổi, những môn gì…là quyền lựa chọn của người học, người dạy, tuỳ theo nhu cầu, không ai có quyền bắt phải “thế này, thế nọ”.
Cũng không biết căn cứ vào đâu, tỉnh Đồng Nai ban hành qui định về học thêm: sĩ số học sinh mỗi lớp không quá 45 em; thời khóa biểu dạy thêm ban ngày không quá 4 tiết trong giờ hành chính, ban đêm dưới 3 tiết và kết thúc giờ học trước 21 giờ; không dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật và những ngày lễ trong năm. Trong một ngày, mỗi học sinh tính chung học chính khóa và học thêm không quá 8 tiết.
Tỉnh này lại thêm qui định “lạ” là tiền học thêm thu được dùng để “mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm”(1). Tỉnh Phú Yên cũng qui định “không được tổ chức dạy thêm cho HS vào ngày chủ nhật và sau 17 giờ mỗi ngày. Riêng HS lớp 12, nhà trường và giáo viên có thể kéo dài thời gian nhưng không quá 19 giờ”(2).
An Giang lại qui định thời gian dạy thêm, học thêm: Sáng: từ 7 giờ 00 đến 11 giờ 00; Chiều: từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00; Tối: từ 18 giờ 00 đến 20 giờ 00; Thời lượng dạy thêm, học thêm mỗi môn học/tuần không quá 03 buổi, mỗi buổi không quá 90 phút, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào chủ nhật và các ngày lễ, số học sinh của mỗi nhóm (lớp) học thêm không vượt quá tổng số học sinh trên một lớp theo quy định của Điều lệ trường học hiện hành (3).
...
Tiền Giang ra qui định: “Thời gian dạy không quá 3 buổi/môn/tuần đối với cấp THPT, mỗi buổi không quá 2 tiết/môn; cấp THCS không quá 2 buổi/môn/tuần, mỗi buổi không quá 2 tiết/môn.
Chỉ được tổ chức dạy thêm trong khoảng thời gian từ 7h đến trước 21h; không tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 6 (trừ các nhóm, lớp dành cho học sinh luyện thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 THPT); cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong ngày Chủ nhật và những ngày lễ theo quy định của Nhà nước”(4) .
Thanh Hoá qui định: chỉ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần. Đối với những cơ sở giáo dục do thiếu phòng học phải tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào những ngày chủ nhật, thủ trưởng cơ sở giáo dục phải báo cáo (bằng văn bản) với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên xem xét quyết định.
Đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy thêm, học thêm không quá 1 buổi/môn/tuần và không quá 3 buổi/tuần; Số giờ dạy thêm của mỗi giáo viên không quá 12 tiết/tuần(5).
Vì đâu nên nỗi?
Vì đâu lại “đẻ” những qui định “trái khoáy” và “mỗi tỉnh mỗi phách” như vậy? Tất cả là do một số tỉnh đã hiểu sai hướng dẫn của Bộ GD – ĐT. Các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục… dạy thêm, học thêm Bộ GD – ĐT đã qui định đầy đủ trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.
Tại văn bản này, khoản 2, điều 15 nêu: “Căn cứ quy định tại văn bản này và các quy định khác có liên quan, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm. Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các nội dung chủ yếu: a) Trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; b) Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; c) Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; d) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm”.
Thế nhưng có những địa phương đã ban hành văn bản bằng cách tự “vẽ” ra các qui định “hổng giống ai”. Bây giờ, giả sử có thống kê về những qui định “biến tướng” của các địa phương xung quanh việc dạy thêm học thêm, chắc hẳn Bộ GD – ĐT sẽ kinh ngạc về khả năng “sáng tạo – thêm thắt” theo phương châm “hành là chính” của các địa phương. Chỉ khổ thân GV và học sinh, ngơ ngác giữa của định của Luật, của Bộ và của Tỉnh.
Khoản 1,2 điều 8 “Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật” nêu rõ: “…trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết.(…) Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết”. |
Lê Hồng Lam
(Theo Tầm Nhìn)