511 – nhiều hay ít?
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư và Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến ngày 31/12/2012, Hà Tĩnh có 511/3.331 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện (sau đây gọi tắt là DN) buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Cũng theo nguồn trên, trong năm 2012, Hà Tĩnh có 400 DN được thành lập mới, giảm 104 DN so với cùng kỳ năm trước.
Những con số trên cho thấy, năm 2012, trên địa bàn tỉnh, số DN thành lập mới đã giảm đáng kể so với năm 2011. Và đáng nói hơn, số DN buộc phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012 lại nhiều hơn số DN được thành lập mới. Nhiều người cho rằng, đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng “nóng” DN thành lập mới và như thế là phù hợp với nội lực kinh tế của một địa bàn còn nhỏ bé như Hà Tĩnh.
Có bi quan không, nhưng theo nhiều người, con số 511 DN bị giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2012 trên địa bàn Hà Tĩnh là còn ít xa so với thực tế?. Bởi theo họ, số DN đã “chết lâm sàng” nhưng vì nhiều lý do nên chưa “khai tử”, còn nhiều hơn số đã giải thể hoặc ngừng hoạt động(!?). 511 DN buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã để lại hệ lụy không nhỏ: hàng ngàn người lao động mất việc làm, thất thu ngân sách…gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, an sinh xã hội… “Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu việc sút giảm số DN vẫn tiếp tục tái diễn…”, một chuyên gia kinh tế đã từng thốt lên như vậy.
Chưa vội bàn đến con số trên là nhiều hay ít. Cả nước năm 2012 cũng có đến 55.000 DN rơi và tình cảnh tương tự. Một số nhà quản lý cho rằng, khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu đưa lại cũng là dịp để sàng lọc, kiểm tra “sức khỏe” DN. Và nếu như có mất đi một số DN do “thiếu sức đề kháng” trước “bệnh tật” thì cũng là điều hợp với quy luật thị trường. Bên cạnh những thiệt hại có thể rất lớn, các cuộc khủng hoảng kinh tế luôn để lại những bài học bổ ích cho không chỉ giới DN, các nhà quản lý… Lần này cũng không ngoại lệ.
Vì đâu nên nỗi?
Trong số 511 DN buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2012 trên địa bàn Hà Tĩnh có những điểm chung không khó để nhận ra. Trước hết, khá nhiều DN trong số này, ít nhiều đều tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản – một lĩnh vực ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng cũng từng cho lợi nhuận “khủng”. Ngoài những DN có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, không ít những DN, hay nói đúng hơn là những ông chủ DN “ngoại đạo” khi làm ăn có lãi ở các lĩnh vực, ngành, nghề khác cũng “ôm” tiền “nhảy” vào mua, bán nhà, đất… Rồi chẳng may bất động sản “đóng băng”, “bong bóng” bất động sản xì hơi, vỡ… hay nói đúng hơn, bất động sản trở về đúng với giá trị thực của nó đã khiến cho không ít DN lao đao rồi… “khai tử”.
Tiếp đến là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Nghị quyết 11 ra đời, đầu tư công bị cắt giảm mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt… là cú “đạp phanh” đột ngột khiến cho xe của giới thầu khoán vốn thường chạy tốc độ cao, vượt quá quy định cho phép… bỗng chao đảo, lạc tay lái. Chính nhiều người trong số họ cũng thừa nhận: “Đang mạnh ai nấy chạy… bỗng chốc thiếu dự án, thiếu việc làm; công trình bị cắt, bị dừng; thiếu vốn, vốn đọng tại nhiều công trình đang dang dở…thế là đuối dần, rồi dẫn đến… giải thể.”. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những DN trong lĩnh vực xây dựng “chết” trong cơn bão khủng hoảng lần này hầu hết là do thiếu thực lực, “bóc ngắn, cắn dài”…
Còn nhóm thứ ba trong số phải giải thể năm 2012 phần nhiều là những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai thác, chế biến và kinh doanh vật liệu xây dựng. Đây là lĩnh vực mà người ta thường nói là “ăn theo” mảng xây dựng. Mà nhiều DN xây dựng”chết” thì nhóm “ăn theo”này hỏi sao sống được.
Và nữa. Ra đời trong giai đoạn khung hoảng, đã có không ít DN nằm trong số 904 DN được thành lập mới trong các năm 2011 và 2012 phải chịu phận… đoản mệnh. Chưa hết, trên 1/2 số DN này hiện đang phải lao đao vì nhiều lý do. Khó có thể đoán trước, bao nhiêu DN non trẻ này sẽ đứng vững hoặc tiếp tục phải giải thể, ngừng hoạt động trong thời gian tới, khi năm 2013, năm 2014 được dự báo là sẽ còn khó khăn hơn.
Mà không chỉ trong số 511 DN buộc phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012, nhìn chung DN Hà Tĩnh vẫn chủ yếu là nhỏ bé, có không ít DN chỉ đăng ký đóng BHXH, BHYT cho 1 người!. Bên cạnh tính cạnh tranh kém, tính thích nghi của DN Hà Tĩnh cũng còn nhiều hạn chế… “Chủ DN, bộ máy lãnh đạo, quản lý của DN trong tỉnh chủ yếu đều tự phát, chưa được đào tạo bài bản từ quản trị… đến… maketting và hầu hết đều chưa có kế hoạch, chiến lược dài hơi; vốn chủ sở hữu của DN trên tỷ lệ nguồn cần thiết để đầu tư và phát triển rất thấp nên khi lãi suất ngân hàng nâng lên thì hậu quả là đương nhiên.”, ông N.D.Đ, một cán bộ trong lĩnh vực đầu tư, nói.
Tình hình DN lúc này là rất khó khăn. “Tác động dây chuyền của cuộc khủng hoảng đã không để nhiều DN vẫn bình thường và phát triển, hầu hết đều gặp khó khăn. Nếu không có sự điều chỉnh, có kế hoạch và sự chung tay của cộng đồng; sự hỗ trợ, liên kết… trong giới DN thì sự phát triển bền vững của DN Hà Tĩnh là bài toán khó giải.”, một chuyên gia, lo lắng.
Hậu qủa của cuộc khủng hoảng sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều đối với Hà Tĩnh nếu không có đại công trường Formosa Vũng Áng và một số dự án lớn đã và đang được triển khai. Và nếu vậy, số DN giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2012 của Hà Tĩnh sẽ không dừng lại ở con số 511.
“Sức khỏe yếu” sẽ không thể chống chọi được với bệnh tật. 511 DN bị giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2012 đã cho thấy điều đó. Đánh giá đúng “sức khỏe DN” mới bốc đúng “thuốc giải”, giúp họ không chỉ “hồi phục” mà còn vững vàng trong thời gian tới. Trách nhiệm nặng nề này đang chờ sự chung tay của các ngành, các cấp trong tỉnh và của cả chính bản thân DN.
Trọng Tuệ
Báo Hà Tĩnh