Tấm Lòng Vàng

Hà Tĩnh: Gạo đã về, ấm lòng người dân vùng lũ

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo Ban cứu trợ tỉnh xuất cấp cho huyện Hương Sơn 500 tấn gạo, 5.000 thùng mì tôm; huyện Vũ Quang 400 tấn gạo, 1.000 thùng mì tôm; huyện Hương Khê 100 tấn gạo, 7.000 thùng mì tôm; huyện Đức Thọ 50 tấn gạo, 5.000 thùng mì tôm.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các cơ quan đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… cũng kịp thời hỗ trợ hàng trăm tấn gạo, mì tôm, chăn áo ấm… cho nhân dân vùng rốn lũ.


Ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, cho biết: Trận lũ kinh hoàng quét qua khiến người dân mất sạch tài sản, không biết đến bao giờ mới gượng dậy được. Khi có 30 tấn gạo và gần 500 thùng mì tôm, nước uống, chăn áo ấm, nhu yếu phẩm… của tỉnh cấp, chúng tôi lập tức đưa đến các hộ dân, đảm bảo không để bất kỳ ai phải bị đói khát. Sau nhiều ngày ăn mì tôm trong lũ, nay bà con đã có gạo ăn, có nơi ngủ tạm thời”.


Từ chiều 20-10, sau nỗ lực của Đồn Biên phòng 567 (đóng lại Vườn Quốc gia Vũ Quang, huyện Vũ Quang), hơn 10 tấn gạo, cùng hàng trăm thùng mì tôm, lương khô, sữa, miến gạo, nước uống, chăn ấm, quần áo… đã đến với 2.000 nhân khẩu của 4 thôn biên giới Tùng Quang, Tân Quang, Kim Quang, Kim Thọ (xã Hương Quang, huyện Vũ Quang) sau nhiều ngày bị lũ cô lập.


Trao đổi với Báo SGGP Online, Thượng tá Nguyễn Văn Cảnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 567 cho biết, xã Hương Quang bị lũ quét gây thiệt hại nặng, bà con mất hết tài sản, sau đó lại bị lũ cô lập nhiều ngày nên có nguy cơ sẽ thiếu đói về lâu dài. Lúc có thông báo cứu trợ hơn 10 tấn gạo và mì tôm, Đồn rất phấn khởi cử anh em cấp tốc vượt đường rừng núi hiểm trở đi vận chuyển về kịp thời trao cho người dân. Hiện Đồn đang bố trí phân phát gạo tại Đồn và Trạm Kiểm soát Biên phòng Kim Cò.


Ông Bùi Quang Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện đã có hơn 60 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hơn 14 tỷ đồng, nhiều tấn gạo, 56.000 ly sữa TH truemilk, gần 1.000 thùng mì tôm và hơn 13.500 cuốn vở viết… cho người dân vùng lũ.


UBND Hà Tĩnh cũng đã có quyết định về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống dân sinh và khôi phục sản xuất. Theo đó, tỉnh sẽ trích ngân sách và các nguồn quỹ khác để hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình có nhà chính bị sập, đổ, trôi hoàn toàn trong lũ; 6 đến 12 triệu đồng/nhà bị hư hỏng 30% đến 80%; riêng nhà hư hỏng dưới 30%, các tổ chức chính trị, cộng đồng dân cư và dòng họ giúp đỡ khắc phục; hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng đối với gia đình bị lũ cuốn trôi 100% lương thực…

Đối với diện tích lúa mùa bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30%-70% được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Gia đình có trâu, bò nuôi tại nhà bị lũ cuốn trôi mất hoặc chết được hỗ trợ 4 triệu đồng/con, hươu 2 triệu đồng/con; lợn thịt có quy mô từ 100 con trở lên bị trôi, chết hỗ trợ 300.000 đồng/con (nhưng tối đa không quá 35 triệu đồng/hộ); gia cầm (gà, vịt, ngan) của các hộ chăn nuôi tập trung có quy mô từ 300 con trở lên đối với loại đẻ trứng và từ 500 con trở lên đối với nuôi lấy thịt bị lũ cuốn trôi, chết, được hỗ trợ 15.000 đồng/con (nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/hộ). Các gia đình nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha (nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ)…


Dương Quang

SGGP

  Từ khóa: Ấm lòng , Gạo , vùng lũ , người dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP