Quy hoạch toàn bộ dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu (ảnh: Mỹ Hoa) |
Nếu nhà đầu tư không có khả năng đề nghị thu hồi giấy phép?
Trong cuộc làm việc với PV Infonet, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch thị xã Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh) cho biết: Liên quan đến hàng chục dự án treo tại huyện Kỳ Anh, nổi bật là Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu, ngày 17/11 trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, thị xã đã có phản ánh gay gắt về các dự án chậm tiến độ tại huyện này. Đồng thời đề nghị Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cung cấp mọi thông tin liên quan như về số liệu, quy hoạch và tiến độ. Thế nhưng nhiều câu hỏi quan trọng trong cuộc họp đặt ra ban đã phớt lờ.
Con số khủng hơn 30 dự án treo tại huyện Kỳ Anh chậm tiến độ, hoặc xây dựng lèo tèo nhằm ‘’giảm lỏng’’ đất đã gây nhiều phiền toái cho người dân. Như vậy theo ông Hà, ‘’Trước tình trạng này, thị xã Kỳ Anh có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo, kiến nghị lên Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, UBND tỉnh, Tỉnh ủy để có phương án giải quyết phù hợp. Còn trách nhiệm với dân, chính quyền sẽ tuyên truyền, vận động để dân hiểu’’.
Dự án chậm tiến độ đẩy hàng chục hộ dân vào khốn khổ (ảnh: Mỹ Hoa) |
Khi PV hỏi về nguyên nhân hàng loạt dự án treo tại thị xã, ông Hà khẳng định: Việc chậm tiến độ các dự án hoàn toàn do chủ đầu tư, ở đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có thể ở năng lực nhà thầu, nguồn vốn hoặc những vướng mắc khác. Còn chính quyền luôn thu hút, tạo cơ chế tốt nhất cho chủ đầu tư vào xây dựng, làm việc.
“Có nhiều hệ lụy sau khi huyện Kỳ Anh thành lập thị xã Kỳ Anh, trong đó có vướng mắc về các dự án treo, cái này thị xã cũng rất đau đầu, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri dân kêu ca rất nhiều. Thị xã sẽ tập trung giải quyết vấn đề này quyết liệt vào thời gian tới. Tất cả vì sự phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ quyền lợi người dân” – ông Hà cho biết.
Ông Hà cũng đặt ra phương án giải quyết tồn đọng về dự án chậm tiến độ. Cụ thể, “những dự án nào làm không đúng tiến độ thì buộc phải thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật. Quy định 1 năm mà không làm được là thu hồi rồi, chứ đừng nói đến 5 năm. Đối với dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu đã 5 năm mà chưa thu hồi thì trách nhiệm đó phải hỏi Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh”.
Về nguyên tắc nhà đầu tư không có năng lực, nguồn vốn và chậm tiến độ thi công buộc phải rút giấy phép. Chứ ‘’giam lỏng’’ đất kéo dài làm ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tỉnh. Nếu nhà đầu tư thấy mình không đủ khả năng thì nên trả lại đất cho tỉnh để các nhà thầu khác vào đầu tư – ông Hà chia sẻ thẳng thắn.
Đùn đẩy trách nhiệm, tại ai?
Rõ ràng theo đăng ký thì đây là một dự án có vốn đầu tư lớn, thu hồi diện tích đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân trong vùng dự án, nhưng 5 năm qua không có một sự đầu tư đáng kể nào, chủ đầu tư mới chỉ dựng lên những căn nhà lèo tèo, tiến độ thi công chậm trễ. Theo hồ sơ dự thầu, dự án thực hiện qua 3 giai đoạn từ 2010-2013 (nghĩa là đã hết hạn), để giữ đất nhà thầu tiếp tục gia hạn thêm. Lúc này, dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh có quá ưu ái cho chủ đầu tư Đại Việt Mỹ?
Trước dư luận gay gắt về năng lực nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho rằng: Dự án Lợi Châu chậm tiến độ, do vướng mắc ở khâu GPMB, gây khó khăn cho nhà thầu trong đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng và các hạng mục khác làm ảnh hưởng đến công tác kinh doanh của nhà thầu. Tính đến nay, ban cùng nhiều cơ quan chức năng mới bàn giao cho công ty diện tích hơn 24ha/36,4 ha đất thực hiện dự án. Phần diện tích còn lại (khoảng gần 12ha/60 hộ dân) đang được ban phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai giải phóng mặt.
Như vậy, chỉ cần các giấy chứng nhận đầu tư được điều chỉnh, dự án sẽ được triển khai ngay sau khi được cấp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, hoàn thành trong thời hạn 36 tháng – Ban quản lý khẳng định.
Dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu đã trải qua 5 năm nhưng tiến độ xây dựng lèo tèo (ảnh: Mỹ Hoa) |
Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cũng “đẩy trách nhiệm” lên huyện, thị xã rằng: BND tỉnh, Ban quản lý nhiều lần gửi báo cáo, đôn đốc trực tiếp tại các cuộc họp giao ban GPMB, đề nghị UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo Hội đồng bồi thường sớm hoàn thành công tác bồi thường GPMB phần diện tích còn lại để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh xử lý dứt điểm các dự án còn tồn đọng vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Kỳ Anh (nay là UBND thị xã Kỳ Anh) vẫn chưa triển khai công tác kiểm kê đối với các hộ bị ảnh hưởng trong phần diện tích còn lại gần 12ha ha nói trên.
Về phía thị xã Kỳ Anh ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch thị xã lại phát biểu, những dự án chậm tiến độ đề nghị buộc phải rút giấy phép. Quy định 1 năm mà không làm được là thu hồi rồi, chứ đừng nói đến 5 năm. Đối với dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu đã 5 năm mà chưa thu hồi thì trách nhiệm đó phải hỏi Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh?
Đối với người dân Kỳ Phương, 5 năm qua, 60 hộ dân sống tại P.Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh ‘’sống dở chết dở’’ với cái quy hoạch treo dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu. Dự án không chịu làm mà cứ ‘’giam đất’’ của dân để mọi quyền lợi hợp pháp đều bị bó buộc.
“Chính quyền, nhà đầu tư phải trả lời được cho dân khi nào dự án triển khai, kiểm kê, đền bù, tái định cư, đừng để người dân sống khổ trên chính ngôi nhà minh. Làm hay không làm phải có câu trả lời cụ thể” – ông Nguyễn Thanh Mân (68 tuổi, tổ dân phố Hồng Sơn, P.Kỳ Phương) bức xúc.
Infonet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này