Báo cáo mới nhất từ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thể hiện, trận lũ vào trung tuần tháng 10/2016 vừa qua, địa phương có 20 người bị thương; 9/18 xã bị ngập bị cô lập hoàn toàn, diện tích lúa mùa bị ngập, hư hỏng 200ha; cây ăn quả (bưởi, cam) bị ngập, hư hỏng 720 ha; 106,5ha hoa màu, rau màu bị hư hỏng; 468 con gia súc, 108.846 con gia cầm bị cuốn trôi… Thiệt hại ước tính của địa phương rốn lũ này lên đến trên 254,503 tỷ đồng.
Ngay khi cơn lũ đang hoành hành, cùng với việc triển khai nhanh việc hỗ trợ không để người dân đói, khát, hướng dẫn các đoàn cứu trợ từ khắp cả nước, kiều bào nước ngoài hỗ trợ đúng địa phương, đúng người thiệt hại, đảm bảo công bằng, một trong những vấn đề mà chính quyền huyện Hương Khê rốt ráo nhất là đốc thúc bà con ra đồng, khôi phục sản xuất để sớm tự chủ về lương thực.
Chính quyền vùng rốn lũ Hương Khê xác định, sự chia sẻ của người dân trên cả nước lúc này chỉ mang tính tức thời, giải quyết những khó khăn, thiếu thốn mà bà con đang gặp phải, không phải mang tính ổn định, lâu dài. Vì thế, những ngày qua chính quyền huyện Hương Khê liên tiếp có công văn, điện thoại đôn đốc, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải kêu gọi, vận động bà con tranh thủ ra đồng sản xuất hoa màu vụ đông khi thời tiết đã thuận lợi.
Chủ tịch huyện Hương Khê mong các đoàn cứu trợ sau khi khi sẻ chia bằng vật chất, tinh thần, cùng đồng thời động viên người dân vùng lũ ra đồng khi thời tiết đã thuận lợi.
Trong chuyến thị sát nhanh kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt, cứu trợ bà con tại xã Lộc Lên, địa phương chịu thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng vào trưa ngày 22/10, nhìn thấy cảnh bà con tập trung rất đông ở trụ sở xã, trong đó rất nhiều bà con hiếu kỳ đến xem cứu trợ, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn đã buộc phải chỉ đạo khẩn Bí thư, Chủ tịch UBND xã này đốc thúc bà con nhận xong quà hỗ trợ là về ngay, ra đồng để tập trung cho sản xuất. Thậm chí vị Chủ tịch huyện còn “đe” Bí thư, chủ tịch xã này là huyện sẽ cắt, hoặc yêu cầu các đoàn cứu trợ dừng về địa phương nếu người dân không chủ động ra đồng.
“Tôi đã nói rất nhiều lần với các anh rồi. Việc cứu trợ chỉ là tạm thời, là biện pháp giúp người dân trước mắt thôi, phải ra đồng sản xuất ngay mới chủ động được lương thực. Nếu xã không làm được việc này là tôi sẽ yêu cầu cho dừng cứu trợ. Tôi yêu cầu các anh tối nay phải họp để triển khai ngay kế hoạch sản xuất. Thứ hai, thứ ba tới, tôi quay lại đây mà chưa thấy có động tĩnh gì, các anh sẽ phải chịu trách nhiệm với huyện” – ông Huấn quán triệt với lãnh đạo xã Lộc Yên.
Và sau khi bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ bà con chịu nhiều thiệt hại của các đoàn cứu trợ, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cũng trực tiếp đề nghị người đứng đầu các đoàn cứu trợ phát quà cho người dân thì cũng giúp huyện động viên bà con ra đồng để sản xuất, không ỉ lại, trông chờ các nguồn cứu trợ.
Chủ tịch huyện Hương Khê mong các đoàn cứu trợ sau khi khi sẻ chia bằng vật chất, tinh thần, cùng đồng thời động viên người dân vùng lũ ra đồng khi thời tiết đã thuận lợi.
“Huyện rất cảm động với tình cảm, sự sẻ chia của các anh chị, các đoàn cứu trợ. Tuy nhiên chúng tôi mong sau khi phát quà, các bác, các anh chị động viên bà con là sau khi nhận quà về thì về nhà để ra đồng sản xuất vụ đông ngay. Các bác, các anh chị nói làm sao để bà con hiểu được, sự giúp đỡ này chỉ là tức thời để bà con vừa giải quyết khó khăn trong sinh hoạt trước mắt vừa để mua giống, sửa nông cụ, sớm ra đồng. Có sản xuất thì mới bền vững được. Các anh chị có mặt ở đây nói cho được như thế là cũng giúp người dân, giúp huyện rất nhiều”- ông Huấn nói.
Chủ tịch huyện Hương Khê tỏ ra rất sốt ruột vì mưa lũ đi qua hơn một tuần, thời tiết rất thuận lợi nhưng trên toàn huyện mới chỉ có hơn 60ha ngô vụ đông được trồng lại, còn các cây hoa màu khác gần như vẫn chưa triển khai sản xuất do còn gặp nhiều khó khăn.
Văn Dũng