Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Doanh nghiệp với phòng chống thiên tai

Hội thảo đã thu hút 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các nội dung sẽ được tổng hợp để tham vấn cho các cấp chính quyền nhằm làm tốt công tác phòng chống thiên tai trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Ngày 30/10, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Hà Tĩnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Tĩnh và Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) phối hợp tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp với công tác phòng chống thiên tai”

hatinh24h

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu.

Trong 15 năm gần đây đã có 4 đợt bão lũ lớn vào các năm 2002, 2007, 2010 và 2013 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Ông Bùi Nhâm Sâm – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh khai mạc hội thảo

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Quỹ Châu Á tiến hành năm 2011, thiên tai có nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp.

Qua khảo sát 200 doanh nghiệp tại các tỉnh miền Trung, có tới 60% doanh nghiệp đã bị thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có 5% doanh nghiệp ảnh hưởng rất nặng nề và 30% thiệt hại ở mức nặng nề (chủ yếu là về nhà xưởng, thiết bị và hàng hóa).


Bà Võ Thị Hồng Minh – Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh: Doanh nghiệp đã thành lập ban chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố cấp bách, quan trọng…

Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, chưa có sự quan tâm đến việc lập kế hoạch quản lý rủi ro và chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai, cứu trợ xã hội.

Buổi hội thảo đã chia sẻ các thông tin về thực trạng của tình hình thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các địa phương. Những dự báo về tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Ông Trần Sỹ Thu – PGĐ Agribank chi nhánh Hà Tĩnh: Doanh nghiệp cần đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình xảy ra bão lũ để đảm bảo vật nuôi không bị dịch bệnh, đảm bảo môi trường sống…

Đồng thời làm rõ vai trò của công tác chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu của cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp, liên kết các doanh nghiệp với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phục hồi sau rủi ro.


Ông Võ Văn Lưu – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh: Phải phổ biến, giáo dục ý thức của người lao động. Khi có thiên tai xảy ra, các cơ quan chức năng phải có đánh giá chi tiết, giảm trừ các loại phí, thuế cho doanh nghiệp…

Các đại biểu đại diện các doanh nghiệp cũng đã đề xuất các nội dung trong vấn đề chính sách của địa phương đối với doanh nghiệp trong ứng phó rủi ro thiên tai, gắn kết hoạt động giữa doanh nghiệp với các bên liên quan, tạo điều kiện để doanh nghiệp được trang bị các kiến thức kỹ năng lập kế hoạch và phòng chống thiên tai, ứng phó tình trạng khẩn cấp nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân.


TS Nguyễn Thị Thu – Chuyên gia tư vấn về lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi hội thảo

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu – Chuyên gia tư vấn hội thảo nhấn mạnh để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề quan trọng là cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hết sức to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế cần có sự quan tâm, nhất trí cao từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, phân bổ nguồn lực, kinh phí, thời gian cho kế hoạch. Bên cạnh đó cần tăng cường hiệu quả của quỹ phòng chống thiên tai của địa phương, cần xem xét doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này cho hoạt động phòng chống bảo lụt và thiên tai.

Xuân Lộc – Minh Hà / Trí Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP