Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì máy gặt hỗ trợ!

Những chiếc máy gặt mua về phát cho dân chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành sắt vụn. Chính quyền và nhà cung cấp liên tục đá bóng trách nhiệm, còn dân nghèo rơi vào cảnh bị lừa mà chẳng biết kêu ai.

Theo Đề án hỗ trợ sản xuất trong Chương trình phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được hỗ trợ mua 44 chiếc máy gặt cho hộ nghèo, cận nghèo trong xã. Nhưng máy chẳng ra hồn máy.

Cụ thể, những chiếc máy gặt mua về phát cho dân chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành sắt vụn. Chính quyền và nhà cung cấp liên tục đá bóng trách nhiệm, còn dân nghèo rơi vào cảnh bị lừa mà chẳng biết kêu ai.

17-28-32_mygt1
Dân kêu trời vì máy gặt hỗ trợ

Máy gặt hỗ trợ vừa dùng đã cháy

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, thực hiện đề án hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135, ngay sau khi có nguồn ngân sách trên chi về thì xã đã lập đề án xin huyện rồi cử người hợp đồng với Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh để mua 44 chiếc máy gặt về giao cho bà con sử dụng.

Theo hợp đồng ký kết giữa xã Hương Thọ với đơn vị cung ứng, một chiếc máy gặt hỗ trợ có giá 6,2 triệu đồng, tất cả đều là máy mới và có bảo hành hẳn hoi.

Khỏi phải nói hết tâm trạng vui sướng của dân nghèo ở các vùng quê khi nhận được sản phẩm hỗ trợ có giá trị tương đối lớn. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay trong lần sử dụng đầu tiên, hàng loạt chiếc máy gặt hỗ trợ đồng loạt bị cháy.

Căn nhà ông Phan Văn Lành, trưởng thôn 6 những ngày này chẳng khác gì một cái kho máy gặt. Những người dân trong diện được hỗ trợ máy gặt lần lượt mang máy đến nhà ông trưởng thôn đòi trả chỉ sau một lần sử dụng.

Theo chỉ tiêu phân bổ, thôn 6 có 8 hộ dân may mắn nhận được hỗ trợ sau quá trình tuyển chọn hộ nghèo, bốc thăm rất căng thẳng. Chính vì vậy, những người “trúng máy” rất mừng. Họ tổ chức liên hoan không khác gì trúng số.

Nghe kể, sau bữa liên hoan cũng là dịp vụ gặt, bà con hăng hái mang máy ra đồng gặt thử. Máy nhìn bên ngoài mới tinh thế kia ai cũng nghĩ sẽ ngon lành nhưng khi đưa vào sử dụng đều bị cháy hết. Chạy một hai vòng đều bốc khói nóng ran, lớp vỏ nhựa bên ngoài bị cháy rồi tắt ngấm, bốc mùi khét lẹt.

Tưởng gặp sự cố nhẹ, nhưng gọi thợ đến làm đủ mọi cách vẫn không tài nào nổ lại được nữa. Phát hoảng với tình trạng máy gặt “chết” ngay trong lần sử dụng đầu tiên, người dân lục tìm các tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Theo phản ánh của họ, khi lấy máy về chỉ có duy nhất một tờ giấy hướng dẫn sử dụng do Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cung cấp, còn nhà sản xuất thì không có bất kỳ một giấy tờ liên quan gì. Máy có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Cấu tạo của máy như thế nào? Không ai biết cả.

8 hộ dân được hỗ trợ thì có đến 7 hộ trả máy. Hộ còn lại, thấy máy gặt đồng loạt cháy không dám đem ra sử dụng. Trưởng thôn Lành tức tốc làm đơn gửi lên xã để nhờ xã đề nghị công ty về thu lại máy, còn những người dân được hỗ trợ phải đi thuê máy gặt bên ngoài về sử dụng.

Chung nỗi khổ với người dân thôn 6, những người dân được nhận máy gặt hỗ trợ ở thôn 4, thôn 5 cũng gặp tình trạng tương tự.

Ông Bùi Đại Nghĩa, một người dân được hỗ trợ máy gặt ở thôn 4 phàn nàn: “Nghe có chính sách hỗ trợ, dân nghèo chúng tôi mừng lắm. Nghĩ máy nhà nước hỗ trợ chắc là tốt, lại trúng vào vụ gặt nên ai cũng phấn khởi vô cùng.

Nhưng không ngờ máy vừa chạy được một đoạn đã thấy nóng rần rật, lớp vỏ nhựa bên ngoài bị nung chảy rồi đến máy móc bên trong bị cháy đen sì, chết luôn. Chúng tôi gọi thợ sửa khắp vùng nhưng ai cũng nói là “bệnh nan y”, không sửa được. Đành phải đi thuê máy khác của người ta về gặt”.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, việc người dân phản ánh máy gặt hỗ trợ vừa đưa vào sử dụng đã bị trục trặc là đúng sự thật, các biểu hiện đúng như dân phản ánh.

Lúc nhập về, máy được đóng trong thùng, cán bộ xã chỉ mở kiểm tra một số máy nên có một số máy thiếu phụ tùng kèm theo, vấn đề này xã cũng đã yêu cầu công ty bổ sung thêm. Trong hợp đồng máy có bảo hành, nên xã sẽ mời công ty về xem xét và kiểm tra lại xem sai sót ở đâu để xử lý.

Tổng cộng 44 chiếc máy, không phải số tiền nhỏ, xã sẽ yêu cầu bà con giữ lại máy và mời công ty trực tiếp xuống làm việc với người dân để tìm ra phương án xử lý. Nếu như không đúng như yêu cầu mà hai bên đã ký kết địa phương sẽ trả lại máy về công ty.

Đơn vị cung ứng phủi trách nhiệm

Ngày 6/6, đại diện bên Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, cùng các cán bộ kỹ thuật của Cty CP Chuyển giao công nghệ Vinastar – Hà Nội nơi cung ứng sản phẩm đã về trực tiếp tại xã Hương Thọ để kiểm tra số máy gặt hỗ trợ theo yêu cầu của chính quyền và người dân.

Ông Nguyễn Sỹ Tiến, Phó phòng NN- PTNT huyện Vũ Quang cho biết, việc nguồn hỗ trợ cho xã Hương Thọ thực hiện đề án hỗ trợ sản xuất, khi xã trình đề án thì huyện phê duyệt và cho tiến hành triển khai, nếu mà sự việc xảy ra như người dân phản ánh thì Phòng Nông nghiệp sẽ có trách nhiệm phối hợp với xã đưa ra phương án giải quyết.

20 chiếc máy gặt của người dân được đưa lên trụ sở UBND xã để kiểm tra đồng loạt. Tại đây, sau khi chạy thử một số máy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty cung ứng đã thừa nhận việc một số máy chạy được khoảng 10 phút thì có hiện tượng máy nóng ran, làm cháy lớp vỏ nhựa bên ngoài.

Kết thúc buổi kiểm tra, 20 người dân được hỗ trợ máy mang đến cũng không thèm nhận máy về mà nằng nặc trả luôn cho UBND xã Hương Thọ.

Một số người có chút kiến thức về máy gặt phân tích: Nếu là máy gặt hiệu Honda chính hãng thì bên trong máy phải có dòng chữ Honda chìm, nhưng ở đây chỉ có dòng chữ nổi dán bên ngoài, có lẽ là máy dởm, lấy về cũng không sử dụng được?

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hùng Cường khẳng định, số máy mà xã đặt về nếu như theo trong hợp đồng ký kết thì nó không đúng, nhập nhằng giữa máy GX35 và máy BC35 cho nên bên phía công ty phải cho người đến đổi máy khác.

Được biết, sau khi nhận được “gói thầu” mua máy gặt hỗ trợ người dân, Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đã ký kết với Cty CP Chuyển giao công nghệ Vinastar để mua máy gặt cung ứng cho bà con.

Có một chi tiết rất đáng nghi ngờ, khi mang máy về phát cho chính quyền và người dân xã Hương Thọ, Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đã tự soạn thảo ra bản hợp đồng bảo hành chỉ có 2 tháng kèm theo số máy gặt nhưng lại không ghi rõ ngày tháng bảo hành?

Xã Hương Thọ nhận máy từ tháng 12 nhưng đến tháng 5 mới cấp cho dân, đồng nghĩa với việc hạn bảo hành đã hết từ lâu.

Hành động khó hiểu này của Cty CP Giống trồng Hà Tĩnh được họ giải thích rằng, việc công ty cung ứng sản phẩm bảo hành 12 tháng là để cho các đại lý bán lẻ khi nhập kho không bị hết hạn bảo hành, còn xã Hương Thọ mua về nguyên lô nên thời gian bảo hành sẽ ít hơn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP