Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc đánh giá về việc thực hiện chính sách phát triển Thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. |
Tại huyện Nghi Xuân đã thẩm định được 6/8 chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ thép có công suất từ 830CV đến 1.100CV, trong đó có 5 tàu khai thác, 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Huyện Kỳ Anh thẩm định được 2/7 chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ thép có công suất từ 850CV trở lên. Tuy nhiên, trong số các chủ tàu được thẩm định vẫn còn 3 chủ tàu chưa đáp ứng được tiêu chí lựa chọn theo Quyết định số số 3994 của UBND tỉnh về đánh bắt xa bờ có hiệu quả. Đặc biệt, các huyện còn lại như: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà được phân bổ đóng mới 14 tàu, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ tàu nào đăng ký thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Kết quả triển khai rất yếu kém – trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT. |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là một chủ trương lớn vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ an ninh vùng biển Quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên địa tỉnh bàn còn chậm, yếu kém, không đảm bảo theo đúng kế hoạch. Trước hết, Ngành NN&PTNT chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo chung chung, hình thức, không sâu sát nắm bắt tình hình nên người dân chưa tiếp cận được chính sách mới, hình thức mới để tham gia.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại để mở rộng thêm đối tượng đóng mới tàu xa bờ, đồng thời lựa chọn và hướng dẫn cho các chủ tàu làm hồ sơ thủ tục, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh. Trong tuần tới, các địa phương phải báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Nếu huyện nào không thực hiện được phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Liên quan đến việc điều chỉnh thiết kế, thẩm định giá, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan sớm tham mưu với UBND tỉnh để xem xét giải quyết kịp thời. Ngành Ngân hàng cần xem xét, thẩm định lại khả năng bảo lãnh để tiếp tục ký kết việc đóng tàu với cơ sở đóng tàu Bến Thủy, đảm bảo theo đúng yêu cầu về tiến độ, chất lượng.
Vũ Bằng/ HTTV