Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Dân bất an bên dòng kênh 19/5

Kênh 19/5 là một nhánh của dòng sông La, là con đường độc đạo cho tàu thuyền chở vật liệu xây dựng về các huyện Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Dòng kênh chảy qua xã Trung Lễ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) với chiều dài hơn 2,5km. Từ năm 2010 cho tới nay, hai bên bờ kênh xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đất đai bị trôi sụt xuống sông đe dọa tới nhà cửa, vườn tược của hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ kênh. Theo nhiều người dân, chỉ mới trong vòng 2 năm mà dòng kênh đã ăn sâu vào khu dân cư gần 10m, có nhiều đoạn dòng kênh đã áp sát vào tường rào của nhà dân.


Kênh “ăn” làng


“Cứ mỗi khi thuyền chở cát chạy qua là đất đai lại đổ sụt xuống kênh ầm ầm, trước đây nhà tui còn có cả bụi tre mà bây giờ tre đã bị đổ xuống sông rồi, nếu không kè, 1 – 2 năm nữa là sẽ trôi nhà” – chị Lê Thị Mỹ, một người dân xã Trung Lễ sống dọc bờ kênh lo lắng.


Theo quan sát của chúng tôi, đoạn kênh chạy qua thôn Trung Nam và Trung Tiến với hơn 50 hộ dân đang sinh sống dọc bờ kênh là khu vực có mức độ sạt lở nghiêm trọng nhất, nhiều con đường bê tông đang đứng trước nguy cơ sẽ bị xóa sổ khi mùa mưa lũ về, một diện tích lớn đất canh tác đã bị cuốn đi. Đặc biệt nhiều diện tích đất đã phải bỏ hoang do một số trạm bơm nằm bên dòng kênh sụt lún và có nguy cơ trôi truột không thể bơm tưới cho diện tích lúa và hoa màu.


Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Trung Lễ cho biết: “Tình trạng sạt lở ở dòng kênh 19/5 đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên chưa khi nào trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Xã đang tìm nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng sụt lún như đóng cọc, dùng bao tải cát kè bờ nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả vì tình trạng sạt lở diễn ra quá nhanh, quá mạnh” – ông Thọ lắc đầu ngán ngẩm.


Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở dòng kênh 19/5 đoạn đi qua xã Trung Lễ như hiện nay là do diễn biến thất thường của mưa lũ với lưu lượng trên nguồn đổ về vào mùa mưa ngày càng lớn khiến cho dòng kênh ngày một dốc. Cùng với đó, dòng kênh là con đường chủ đạo để các thuyền bè chở vật liệu xây dựng về các huyện vùng dưới như Can Lộc, Lộc Hà, vì vậy một mật độ dày thuyền bè công suất lớn chạy qua dòng kênh mỗi ngày. Dòng kênh thì nhỏ, đất hai bên bờ thì mềm, vì vậy khi thuyền chạy qua làm cho đất đai hai bên bờ trôi sụt, đổ xuống kênh.


Các sà lan cát còn khiến cho nhiều cây cầu bắc qua kênh của bà con xã Trung Lễ bị hư hại, sụt lún nghiêm trọng, điển hình là có 2 trong 4 cây cầu bắc qua kênh đã bị các xà lan cát đâm gãy, không thể lưu thông gây khó khăn cho bà con trong quá trình đi lại và sinh hoạt.


“Nước xa không cứu được lửa gần”


Theo ông Thọ, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng như vậy, xã đã nhiều lần làm đơn kêu cứu các cấp các ngành vì kinh phí thực hiện là ngoài khả năng của xã, tuy nhiên đến nay chỉ mới nằm lại ở mức độ khảo sát kiểm tra do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện.


Được biết, dòng kênh 19/5 nằm trong dự án Hệ thống kênh trục sông Nghèn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công trình có tổng chiều dài 18km, đi qua các huyện, thị: Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà và Lộc Hà; tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng; thời gian thi công dự kiến 5 năm kể từ ngày khởi công (17/6/2013). Tuy nhiên, từ nay cho tới khi dự án hoàn thành là gần 5 năm, một thời gian rất dài trong khi tình trạng sạt lở ở kênh 19/5 lại rất nghiêm trọng và mùa mưa lũ thì đang cận kề, cho nên nếu cứ trông chờ vào dự án Hệ thống kênh trục sông Nghèn thì không biết sẽ còn bao nhiêu diện tích đất đai, vườn tược, nhà cửa, đường sá sẽ trôi theo dòng kênh khi mùa mưa lũ tới? Các cấp, các ngành nên nhanh chóng tìm biện pháp xử lý tình trạng này.


Bài và ảnh: Hồ Ánh Nguyên

SK&ĐS

  Từ khóa: Dân bất an

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP