Văn Hoá Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đậm dấu ấn văn hóa 2012

Sáng nay mùa xuân đã về trên hồng tươi những cành đào lấm chấm nụ. Năm cũ khép lại trong nụ cười mãn nguyện của cán bộ ngành văn hóa khi những thành công, niềm vui lớn theo nhau tìm về…

Có thể nói năm 2012 là một năm khá sôi động của ngành văn hóa Hà Tĩnh với nhiều sự kiện lớn. Hoạt động nổi bật đầu tiên có thể kể đến là Liên hoan dân ca ví giặm toàn tỉnh và khu vực. Được khởi động từ năm ngoái, Sở VH – TT & DL đã có kế hoạch và định hướng cụ thể cho từng địa phương thành lập các CLB dân ca và khơi dậy mạnh mẽ phong trào hát dân ca ví, giặm khắp các huyện. Liên hoan CLB dân ca ví giặm toàn tỉnh đã được tổ chức thành công hồi tháng 6 và chọn ra được 5 CLB xuất sắc tham gia Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Thông qua liên hoan và thành tích đạt được (1 giải nhất và nhiều tiết mục đạt giải A, B), phong trào sưu tầm và sáng tác lời mới, hát dân ca ví giặm trở nên sôi nổi hơn.


Trong rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm cụ chính trị của địa phương đã thấy được rất rõ sự bừng thức của những câu ví giặm quê nhà, không chỉ điệu thức mà cả không gian diễn xướng cũng dần được khôi phục lại. Thực tế đó đã góp phần đẩy nhanh qua trình cùng với tỉnh Nghệ An hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể của nhân loại.


Năm 2012 đánh dấu nhiều sự kiện lớn của tỉnh như: 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 82 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh; Giao lưu Bắc Ninh – Hà Tĩnh cùng chung câu hát nghĩa tình; Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XVII; Giao lưu VH – TT & DL các tỉnh biên giới Việt – Làov.v… Có lúc đóng vai trò chính, có lúc trong vai trò phụ nhưng trong thành công của bất kỳ sự kiện nào cũng có những đóng góp tích cực của ngành văn hóa.


Bà Phan Thư Hiền – Phó GĐ Sở VH – TT & DL Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch chỉ các đơn vị chuyên môn xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ các sự kiện. Với sự thức dậy mạnh mẽ của những câu ví, điệu hò cổ cũng như trong những ca khúc mới, các chương trình nghệ thuật đều đậm dấu ấn văn hóa Hà Tĩnh, thấm đẫm tính nhân văn được công chúng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt”.


Không chỉ có thế, trong chuỗi chương trình giao lưu 6 tỉnh biên giới Việt – Lào diễn ra hồi tháng 8, những hoạt động xoay quanh chủ đề VH – TT & DL đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về những nét văn hóa đặc sắc cũng như tiềm năng của Hà Tĩnh. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật do các nghệ sỹ Hà Tĩnh biểu diễn đã mang đến sự thích thú cho các tỉnh nước bạn về nét văn hóa độc đáo của miền đất nắng lửa mưa chan cũng như mối tình gắn bó keo sơn qua các tiết mục hát về nước bạn Lào. Trong thành công của chương trình này, ngành văn hóa càng chứng tỏ được vai trò vừa là nền tảng, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội của mình.

Đậm dấu ấn văn hóa

Một tiết mục biểu diễn tại đợt Giao lưu VH – TT & DL các tỉnh biên giới Lào – Việt


Năm 2012, ngoài việc tiếp tục đầu tư, tu bổ, tôn tạo và cấp bằng di tích lịch sử cho các di tích, Sở VH – TT & DL Hà Tĩnh đã nhận được thêm những niềm vui lớn khi Khu lưu niệm Nguyễn Du được cấp bằng chứng nhận di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện nhằm vinh danh những giá trị văn hóa đặc biệt mà đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền để lại cho quê hương đất nước. Trong khuôn khổ lễ đón nhận bằng chứng nhận, Sở VH – TT & DL đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo “Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới”.


Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành. 66 tham luận gửi về hội thảo cho thấy những góc nhìn mới, những phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đồng thời mở ra hướng phát triển mới trong những nghiên cứu về Nguyễn Du cũng như Truyện Kiều. Thông qua đó, những giá trị văn hóa, lịch sử mà đại thi hào để lại cho hậu thế một lần nữa tác động đến sự quan tâm của các học giả trong nước cũng như nước ngoài.


Sự kiện này cũng tô đậm thêm lòng tự hào của thế hệ trẻ trên quê hương Nguyễn Du, nhất là đối với những người làm VHNT có dịp soi mình để cố gắng hơn nữa. Không chỉ có thế, chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du với Kiều” do các nghệ sỹ Nhà hát tuổi trẻ Việt Nam dàn dựng và biểu diễn đã cho thấy tấm lòng của hậu thế đối với Nguyễn Du, đã mang đến cho khán giả những cảm nhận mới và nỗi xúc động sâu xa. Thông qua đó, khán giả cũng nhận ra rằng những giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả trong tâm hồn thi nhân mãi còn nguyên giá trị và luôn là bài học lớn cho thế hệ muôn sau.


Năm nay cũng có thể gọi là năm được mùa của văn hóa Hà Tĩnh khi trước đó, cố tác giả Phan Lương Hảo cũng đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây không chỉ là niềm tự hào của con cháu nhà viết kịch Phan Lương Hảo mà còn là niềm vui chung của toàn ngành, toàn tỉnh. Sự kiện này như tiếng chuông thức dậy mảng kịch dân ca từ lâu nay bị bỏ quên giữa lòng công chúng cũng như đội ngũ những người làm nghệ thuật.

Đậm dấu ấn văn hóa

Vợ kịch “Mai Thúc Loan” của cố tác giả Phan Lương Hảo do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dựng lại tại lễ vinh danh giải thưởng Nhà nước cho cố tác giả


Ngoài những hoạt động nổi bật đó, năm qua, ngành văn hóa cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, biểu diễn nhằm phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể như: hát Ca Trù, Chèo Kiều, ví Phường Vải, ví Sông La, hò Chèo Cạn, hát Sắc Bùa… và thu hút đông đảo nhân dân tham gia các lễ hội như: Sỹ – Nông – Công – Thương, Chùa Chân Tiên, chùa Hương Tích, đền Lê Khôi, đền Nguyễn Thị Bích Châu v.v…


Mùa xuân đang theo chân tháng ngày về trên mọi nẻo miền đất nước. Một năm nữa lại khép lại trong những lắng đọng sâu sắc, trong những niềm hân hoan của những người làm văn hóa. Trong mỗi thành công lớn đều ghi dấu những đóng góp nhỏ của mỗi người. Và khi xuân mới chạm ngõ thì những hạt mầm mới cũng bắt đầu được gieo trên cánh đồng văn hóa để mỗi cán bộ, nghệ sỹ, tác giả lại bắt đầu chuẩn bị cho mình mùa gặt mới…


Anh Hoài

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP