Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Cứu sống bệnh nhân Lào bị sốc nhiễm trùng ổ bụng nặng

Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng – Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân Pheng Su Lin Thăm (59 tuổi) trú tại Bản Noọng Póng, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay – Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào bị sốc nhiễm trùng ổ bụng nặng, tắc ruột sau mổ, bục hoàn toàn vết mổ để lộ ruột ra ngoài, áp xe tồn dư, tắc ruột sau mổ 21 ngày.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân Pheng Su Lin Thăm có nhiều tiến triển và đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Ngoại tiêu hóa BVĐK tỉnh.

Theo người nhà bệnh nhân kể lại, ngày 19/10 bệnh nhân xuất hiện đau bụng, mệt mỏi, ăn uống kém, không đi đại tiện được nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Viêng Chăn – Lào để điều trị. Tại đây, sau khi thăm khám các bác sỹ của Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật làm lại hậu môn nhân tạo, trong quá trình phẫu thuật phát hiện có khối u trong ổ bụng nhưng Bệnh viện không có khả năng điều trị. Bệnh nhân nằm tại Bệnh viện Viêng Chăn được 7 ngày thì Bệnh viện trả về. Sau khi về nhà gia đình đã mời thầy mo về chữa trị theo hình thức cúng trà tà, sau 7 ngày nằm tại nhà thì bệnh nhân xuất hiện nhiễm trùng vùng vết mổ và bục toàn bộ vết mổ để lộ ruột ra ngoài, không đi đại tiện được. Gia đình tiếp tục đưa bệnh nhân đến Bệnh viện huyện Khăm Cợt – tỉnh Bô Ly Khăm Xay, tại đây các bác sỹ huyện Khăm cợt cũng chỉ lau rửa vết thương cho bệnh nhân chứ không chữa trị. Sau khi nằm tại Bệnh viện Khăm Cợt được 7 ngày thì gia đình được phía Bệnh viện Khăm Cợt tư vấn sang Việt Nam điều trị.

Ngay sau khi bệnh nhân được người nhà đưa sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Ban Giám đốc của Bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo Khoa Ngoại tiêu hóa tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm ổ bụng và tiến hành phẫu thuật gỡ dính ruột, giải phóng áp xe tồn dư, cắt u đại tràng xích ma và làm lại hậu môn nhân tạo.

Bác sỹ Phan Thanh Minh – Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: khó khăn lớn nhất đối với trường hợp bệnh nhân này là bất đồng ngôn ngữ, không có bệnh án kèm theo (chỉ đưa người từ bên Lào sang chứ không có bệnh án đưa sang) nên rất khó có thể chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân. Tuy nhiên may mắn lớn nhất đối với trường hợp này là có người nhà đưa sang biết đôi từ tiếng Việt Nam nên chúng tôi đã khai thác được đôi chút, cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại nên đã sớm chẩn đoán ra nguyên nhân.

Đến nay, sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, nghe nói được, huyết áp ổn định, hiện đang được các bác sỹ Khoa Ngoại tiêu hóa chăm sóc đặc biệt và được công đoàn Bệnh viện hỗ trợ bữa ăn tình thương trong quá trình điều trị tại đây./.

Tuấn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP