Hoạt động khai thác, chế biến và mua bán đá xây dựng vẫn diễn ra công khai ở mỏ đá núi Mồng Gà mặc dù đã hết thời hạn khai thác từ cuối năm 2018. |
Những ngày trung tuần tháng 4/2019, có mặt tại mỏ đá núi Mồng Gà của Cty HAINDECO, chúng tôi ghi nhận được công nhân, lao động tại đây cùng máy móc, phương tiện hiện đại như máy múc, xe ben, máy nghiền… vô tư khai thác bất kể ngày đêm.
Doanh nghiệp “bất chấp” lệnh cấm của cơ quan chức năng
Cty HAINDECO được UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản số 384 GP/UB – CN ngày 09/04/1997 và Quyết định số 08/1999 QB/UB – CN ngày 04/01/1999 tại Quyết định số 360/QĐ – UBND ngày 24/01/2017 để khai thác mỏ đá xây dựng tại mỏ đá núi Mồng Gà, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với diện tích khai thác 2,1ha, mức sâu khai thác + 30, trữ lượng đá xây dựng 207.000m3 nguyên khối, công suất khai thác 150.000m3 nguyên khối/năm, thời hạn khai thác đến hết ngày 30/12/2018.
Mặc dù giấy phép khai thác đã hết hạn từ cuối năm 2018, nhưng sang năm 2019, từ tháng 1 đến nay, mỗi ngày tại mỏ núi Mồng Gà có hàng chục công nhân cùng các phương tiện máy móc khai thác cả ngày lẫn đêm, nhiều máy múc, máy xúc lật, xe ben cùng hệ thống nghiền sàng đá vẫn hoạt động hết công suất. Thường trực trong mỏ là nhiều ôtô tải, máy xúc máy đào, máy nén khí, máy khoan, hệ thống dàn xay nghiền công suất lớn… hoạt động tấp nập. Những chuyến xe “hổ vồ” liên tục vào ra “ăn” đá.
Hằng ngày, có hàng trăm chuyến xe từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An vào đây “ăn hàng” vận chuyển đi khắp nơi. |
Trước thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn vào kiểm tra. Ngay sau khi kiểm tra, Sở TN&MT đã có Công văn số 391/STNMT – KS ngày 19/02/2019 yêu cầu Cty HAINDECO thực hiện nghiêm đề án đóng cửa mỏ, yêu cầu Cty này dừng ngay việc khai thác tại khu vực mỏ; khẩn trương di dời các thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bất chấp “lệnh cấm” của cơ quan chức năng, Cty HAINDECO vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất mua – bán công khai tại mỏ đá núi Mồng Gà. Các hoạt động bất hợp pháp này không được giám sát, quản lý từ phía cơ quan chức năng khiến đường xuống cấp, khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm và “rác” đá phủ kín dọc hai bên tuyến đường kéo dài hàng cây số trước khu vực mỏ.
Cty HAINDECO có được đặc cách?
Cuối năm 2018, hàng chục mỏ đá thuộc địa phận thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) hết hạn khai thác theo giấy phép (trừ mỏ đá của Cty VN1 đang còn thời hạn khai thác), hầu hết đã và đang dừng các hoạt động khai thác – chế biến và hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ, trả lại mặt bằng cho UBND tỉnh Hà Tĩnh thì riêng Cty HAINDECO các hoạt động khai thác – chế biến đá như đang trong giai đoạn khai thác cao trào.
Theo ghi nhận, ở trong và ngoài khu vực chế biến của mỏ đá núi Mồng Gà, những đống đá bây, đá 1x2 đã qua chế biến và đá hộc chưa qua chế biến còn chất thành nhiều đống với khối lượng lớn. Nhẩm tính, để chế biến và tiêu thụ hết khối lượng đá này thì cần ít nhất từ 2 đến 3 năm.
Có vị trí nằm cạnh QL1, mỏ đá núi Mồng Gà cũng liên quan đến địa danh mang tính tâm linh là ngọn Non Hồng (một trong 99 ngọn núi Hồng Lĩnh). Vì thế, khi hầu hết những mỏ đá thuộc khu vực này hết hiệu lực khai thác, người dân thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung đều tỏ ra vui mừng và đồng tình với quyết định của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, người dân cũng không hiểu vì sao đối với mỏ của Cty HAINDECO, các cơ quan chức năng vẫn “đặc cách” và hầu như không có một biện pháp cụ thể nào để “cấm cửa” đơn vị này thôi hoạt động “thổ phỉ” ở khu vực núi Mồng Gà.
Văn bản của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Cty HAINDECO chấm dứt mọi hoạt động tại khu vực mỏ đá núi Mồng Gà và hoạn thiện thủ tục, trả lại mặt bằng cho UBND tỉnh Hà Tĩnh. |
Ông B.V. Mạnh – một người dân sinh sống tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tỏ ra bức xúc bởi Cty HAINDECO vẫn ngang nhiên hoạt động chế biến, sản xuất và mua bán đá xây dựng tại khu vực mỏ dù đã hết thời hạn.
“Một khi mỏ đã hết thời hạn, nhưng hoạt động khai thác chế biến và mua bán đá vẫn diễn ra thì các biện pháp bảo vệ môi trường, các loại thuế phí hầu như đã được bãi bỏ. Núi vẫn mòn và dân vẫn gánh chịu hệ lụi của việc khai thác như khói bụi, ô nhiễm, đường sá vẫn xuống cấp… Điều người dân mong mỏi lúc này là doanh nghiệp cần ngừng ngay các hoạt động tại khu vực mỏ, phục hồi và trả lại môi trường trong lành cho chúng tôi”, ông Mạnh nói.
Những trận “mưa đá” từ hoạt động vận chuyển đá ra ngoài gây mất an toàn giao thông dài hàng cây số trên tuyến đường trước cửa mỏ đá núi Mồng Gà. |
Thực trạng công khai khai thác và chế biến “thổ phỉ” mỏ núi Mồng Gà cho thấy các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý đối với hoạt động của Cty HAINDECO tại mỏ đá này. Quan trọng hơn, vì lợi ích kinh tế Cty HAINDECO đã xem th¬ường công tác đảm bảo an toàn lao động, nếu tiếp tục đào sâu vào lòng núi tạo nên những hàm ếch, những vách đá dựng đứng rộng lớn thì tại nạn thảm khốc là khó tránh khỏi.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các quan chức năng, chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành liên quan sớm có biện pháp mạnh tay chấm dứt hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép của Cty HAINDECO.
Tác giả: Phi Long – Lê Mỹ
Nguồn tin: Báo Xây dựng