Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cơ sở giết mổ gia súc được đầu tư tiền tỉ, mới khai trương đã đóng cửa

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chỉ khai trương vài tháng rồi đóng cửa đã 3 năm nay, 800 triệu đồng ngân sách hỗ trợ chủ đầu tư có nguy cơ mất trắng.

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Gia Phố (Hương Khê-Hà Tĩnh) đóng cửa đã 3 năm. Ảnh: Quang Đại


Vừa qua, nhận được phản ánh của người dân về cơ sở giết mổ gia súc tập trung vừa khai trương 3 tháng đã phải đóng cửa nay bỏ không, chúng tôi đã đến thôn Phố Cường, xã Gia Phố - huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để tìm hiểu.

Trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn, vắng lặng, cửa đóng then cài của cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

Hệ thống giết mổ liên hoàn bỏ không, xuống cấp theo thời gian. Ảnh: Trần Tuấn


Đi vào trong, trên diện tích khoảng vài nghìn m2 có đầy đủ hệ thống giết mổ gia súc liên hoàn, nhà xưởng, nhà điều hành... nhiều thiết bị, hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp. Xung quanh sân, cỏ dại mọc um tùm.

Một số người dân địa phương cho biết cơ sở giết mổ này khai trương từ năm 2017, hoạt động vài ba tháng rồi đóng cửa.

Ông Đặng Viết Long – Chủ tịch UBND xã Gia Phố cho biết cơ sở nói trên do ông Lê Đình Nam là người dân địa phương đầu tư, hoạt động thời gian ngắn rồi đóng cửa.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Nam cho biết cơ sở giết mổ gia súc tập trung năm 2017 khai trương, chỉ hoạt động được 3 tháng rồi phải đóng cửa.

Số tiền 800 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ cơ sở này đứng trước nguy cơ mất trắng. Ảnh: Q. Đại


Theo ông Nam, do những người làm nghề tể lô (giết mổ gia súc) trên địa bàn không muốn đưa gia súc giết mổ tại cơ sở tập trung, nên họ tìm mọi cách để phá.

“Vì giết mổ ở đây họ phải dậy sớm, và phải chịu sự kiểm soát dịch bệnh. Còn giết mổ ở nhà thì họ tự do” – ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, cơ cở này có tổng chi phí đầu tư 2,9 tỉ, bao gồm tiền mua đất và chi phí xây dựng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 800 triệu đồng. Được biết, chi phí giết mổ một con lợn tại đây là 35 nghìn đồng, công suất 70 con/ngày.

Do chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn rồi đóng cửa, ông Nam phải ôm nợ hàng tỉ đồng và chưa biết xoay cách nào để trả.

“Trước khi làm đã có đề án huyện phê duyệt. Tôi cũng đã có ý kiến với UBND huyện mấy lần, đề nghị tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động trở lại nhưng huyện trả lời còn khó khăn chưa làm được” – ông Nam bức xúc.

Được biết, ông Nam là anh em họ với ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê. “Tôi là con chú, ông Huấn là con bác, nhưng việc làm lò mổ ông Huấn không biết”- ông Lê Đình Nam nói.

Cơ sở giết mổ trị giá 2,9 tỉ đồng đóng cửa đã 3 năm, chủ đầu tư bất lực không biết khi nào được hoạt động trở lại. Ảnh: TT


Trước đó, vào sáng sớm ngày 9.2.2018, khi đoàn liên ngành huyện Hương Khê đi kiểm tra tình hình giết mổ tại chợ Sơn, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn yêu cầu các tiểu thương phải cam kết giết mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh thì có tiểu thương đã hắt tiết lợn lên người ông Lê Ngọc Huấn. Nữ tiểu thương sau đó đã bị khởi tố.

Tác giả: QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP