Người đương thời

Hà Tĩnh: Chuyện về một thương binh được gặp Chủ tịch nước vì làm kinh tế giỏi

Là một người lính xuất ngũ trở về từ chiến trường, mang trên mình với thương tật và sức khoẻ giảm sút, nhưng với phương châm “Tàn mà không phế”, ông đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi. Đó là thương binh Lê Viết Hừng sinh năm 1955, tại thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Gian khó

Khắp cả vùng thượng Kỳ Anh nói riêng và huyện Kỳ Anh nói chung, nhắc đến ông Hừng một thương binh làm kinh tế giỏi ai cũng biết đến, không những là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều đóng góp lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã miền núi Kỳ Lâm.

Như bao thanh niên khác, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia du kích, rồi tham gia đội canh giữ tù binh… Năm 1972, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau huấn luyện được điều vào B2 chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ, năm 1974 bị thương và đến năm 1976 xuất ngũ trở về quê hương với thương tật 3/4.

Thương binh Lê văn Hừng

Nhấp li nước chè xanh, tại trang trại cũng là cơ ngơi của mình, ông trò chuyện với chúng tôi, khi xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, gánh trên mình thương tật, sức khoẻ giảm sút, không có vốn để làm ăn. Khi ông lập gia đình, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Trước hoàn cảnh đó tôi đã bàn với vợ vào miền Nam lập nghiệp như những người dân nghèo khác. Những tưởng vào miền Nam cuộc sống sẽ tốt hơn, tuy nhiên, trên mảnh đất quê người càng khó khăn hơn khi không có vốn làm ăn mà chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Mặc dù vậy, trong thời gian làm thuê trên đất khách tôi đã học được một số kiến thức về chăn nuôi, làm vườn rừng, trang trại… Với vốn kiến thức ít ỏi đó, vợ chồng tôi quyết định về quê lập nghiệp vì không đâu bằng quê hương mình.

Năm 2001, vợ chồng tôi lại khăn gói trở về quê, tại vùng núi khô cằn Kỳ Lâm, Kỳ Anh. Cũng tại vùng đất này, bằng chính bàn tay và khối óc của mình vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Sau khi xem xét vùng đất rừng còn bỏ hoang, tôi đã làm đơn xin UBND xã Kỳ Lâm đấu thầu vùng đất tại đập Cây Rễ để xây dựng trang trại với diện tích gần 11ha đất  để xây dựng trang trại.

Trang trại gần 12ha đất được ông Hừng xây dựng từ một vùng đất rừng bỏ hoang

Những buổi đầu mới lập trang trại, cũng gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Trước một vùng đồi trọc với cây dây leo, bụi rậm, đất đai đá sỏi khô cằn…Trong khi đó, lực lượng lao động ít, vốn liếng lại không có, con cái thì còn nhỏ. Khó khăn là thế nhưng vợ chồng tôi vẫn không nản chí. Nhờ sự giúp đỡ bà con nội ngoại, vợ chồng động viên nhau vượt qua những ngày đầu khó khăn.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, vợ chồng tôi đã cải tạo đất trồng lúa, trồng rau màu, khoai sắn để có cái ăn và thức ăn chăn nuôi.

Quả ngọt

Năm 2013, được sự quan tâm của Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh, tôi được đi tham quan các mô hình nông thôn mới trong tỉnh. Với kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình và sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là với sự hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, vợ chồng tôi đã quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết quy mô 1200 con.

Kết quả ban đầu với mô hình chăn nuôi lợn này vợ chồng tôi đã xuất ba lứa tổng cộng số lượng 200 tấn, trừ các chi phí thu về 400 triệu đồng.

 Thương binh Lê Văn hừng bên mô hình chăn nuôi lợn 1200 con tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Ngoài việc phát triển mô hình nuôi, ông còn phát triển các diện tích trồng trừng và các loại mô hình khác. Trong đó, 4 ha rừng trồng sắn nguyên liệu; diện tích cây ăn quả 1 ha; diện tích ao hồ thả cá 0,3ha; diện tích trồng rừng hơn 7 ha (có 2ha trồng thông đã cho thu hoạch); diện tích chuồng trại 0,5ha; đàn gà hơn 400 con…

Với các mô hình này, mỗi năm thu nhập khoảng 900 triệu đồng trong đó thu từ sản phẩm chăn nuôi khoảng 800 triệu, thu từ sản phẩm cây lâm nghiệp khoảng 100 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, thu về hơn 400 triệu đồng/năm.

Với sự nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm đến nay cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, trang trại được xây dựng khang trang, có cảnh quan ao hồ thoáng mát.

Trang trại tổng hợp của ông đã tạo điều kiện làm việc thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 4 -5 triệu đồng/ tháng, khi vào vụ thu hút 10 – 15 lao động.

Ngoài tấm gương vượt khó đi lên làm kinh tế giỏi, thương binh Nguyễn Viết Hừng còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, các phong trào của địa phương.

Ông Trần Điểu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Ngoài tấm gương sáng về làm kinh tế, vợ chồng ông Hừng đều là hội viên tích cực, giương mẫu của Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân tại địa phương. Riêng bản thân ông Hừng hiện là Phó chủ tịch Hội nông dân và là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011 -2016.

Cuối năm 2014, là chủ đầu tư của Lò giết mổ gia súc tập trung tại Kỳ Lâm cho vùng Thượng Kỳ Anh với giá trị 1,5 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng. Hiện tại ông cũng là Giám đốc Hợp tác xã Vạn Thành.

Gia đình của ông Hừng là điển hình gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi phong trào, góp phần cùng nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ông cũng chính là người đã góp phần rất quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương…”.

Ngoài ra ông cũng là chủ đầu tư của lò giết mổ gia súc tập trung ở vùng Thượng Kỳ Anh với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ đồng

Sự cố gắng của bản thân và gia đình năm 2008, ông được vào Phủ Chủ Tịch gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và được tặng quà vì “thành tích Những người có công điển hình làm kinh tế giỏi”. Ngoài ra ông còn được Trung ương Hội làm vườn, Bộ LĐ&TBXH, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen và nhiều giấy khen của UBND huyện Kỳ Anh và các đoàn thể huyện Kỳ Anh trao tặng.

Với những phần thưởng nói trên chính là động lực, khích lệ, động viên ông tiếp tục phấn đấu làm giàu chính đáng từ bàn tay, khối óc của mình, góp phần vào các mô hình kinh tế nông thôn mới của địa phương nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Không những vậy, chính mô hình trang trại của ông đã góp phần tạo công ăn việc làm và giúp đỡ những gia đình còn nhiều khó khăn ở địa phương vươn lên xoá nghèo và làm giàu chính đáng.

Có thể nói, thương binh Lê Viết Hừng là một điển hình về hình ảnh người lính cụ Hồ làm kinh tế giỏi xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”.

Nhóm PV /Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP