Xót xa cảnh đời mồ côi
Cái lạnh se sắt của ngày cuối năm càng tê tái hơn khi chúng tôi tận mắt chứng kiến những khuôn mặt non nớt, các hình hài dị tật… của những em bé được đưa về chăm sóc tại Làng trẻ mồ côi (địa chỉ tại xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh). Mỗi đứa trẻ được đưa vào đây là một câu chuyện đầy xót xa.
Em Hồ Thị Thu Hiền quê ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có lẽ là đứa trẻ dành được nhiều tình yêu thương trong ngôi nhà chung nhất, bởi hoàn cảnh của em hết sức đáng thương. Năm nay tròn 14 tuổi nhưng Hiền mang hình hài của một đứa trẻ lên 6. Năm em lên 3 tuổi, mẹ vì bạo bệnh đã đột ngột qua đời. Chỉ vài tháng sau ngày mẹ mất, bố em đưa một người đàn bà khác về ở cùng, bắt đầu những chuỗi ngày “cực hình” đối với Hiền.
Không cầm được nước mắt, chị Hoàng Thị Phương Lan (chị dâu con bác của Hiền) kể lại, trong khoảng 2 năm sống với "dì ghẻ" (2006-2007), Hiền thường xuyên bị mẹ kế đánh đập, tra tấn dã man. “Hiền nhiều lần bị mẹ kế lấy cát xát vào mắt khiến đôi mắt em bị dị tật không nhìn rõ. Có lần, Hiền còn bị người đàn bà đó lấy dao cắt một nhát sâu ở cánh tay, sợ quá nó chạy vào giường trùm kín chăn trốn. Chị gái Hiền đi học về mở chăn ra thì thấy toàn thân em máu me be bét liền kêu hàng xóm tới cứu. Lúc này, Hiền được mọi người băng bó đưa đi bệnh viện”, chị Lan đau xót nói.
Đôi mắt của Hiền bị dị tật không nhìn được rõ vì bị mẹ kế lấy cát xát vào. |
Mẹ mất, 4 năm sau bố của Hiền cũng mang trọng bệnh rồi ra đi. Hai chị em Hiền sống với nhau, bơ vơ trong một căn nhà gỗ dột nát. Tháng 11/2016, Hiền được Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh nhận về chăm sóc. Chị gái được đi học tại một trường dạy nghề dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội. Tại làng trẻ, Hiền được sống trong tình yêu thương của các “mẹ”. Dù họ không có một sợi dây máu thịt nhưng ở đây em được sống một cuộc đời đúng nghĩa.
Hiền cũng như nhiều đứa trẻ khác tại đây chưa bao giờ biết đến dư vị Tết của gia đình, bên bố mẹ là gì. Thậm chí, có những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi sinh ra. Tuổi thơ của các em chưa một lần được bố mẹ mua quần áo mới, tặng những bao lì xì màu đỏ, nói những lời yêu thương vỗ về...Văn Mậm là đứa trẻ như thế.
Dẫn chúng tôi đến căn phòng bên trái dãy nhà ký túc, ông Trần Hải Nam, Phó phòng hành chính Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết, Mậm là cái tên mà cán bộ, nhân viên Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đặt cho em vì không ai biết gốc tích của em như thế nào. Bị bỏ rơi giữa trời lạnh giá từ lúc lọt lòng nhưng lại không được phát hiện kịp thời có thể là nguyên nhân khiến Mậm bị tê liệt, bại não phải nằm một chỗ.
6 năm nay Mậm nằm trong chiếc nôi nhỏ của Làng, việc ăn, uống, sinh hoạt đều do bảo mẫu phụ trách. Bé Mậm được người dân phát hiện bị bỏ rơi tại TX.Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. "Ngày hôm đó, trời rất lạnh, em bị bỏ ngoài trời mấy tiếng đồng hồ khiến toàn thân tím tái, tê cóng. Lúc đó, anh Nguyễn Anh Tài, Phó phòng LĐ-TB&XH TX.Hồng Lĩnh bồng Mậm vào làng, mà thương cháu đến mức khóc ướt hết cả ngực áo”, ông Nam kể lại.
Bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, Văn Mậm bị chứng bệnh bại não, nhưng tại ngôi nhà này em được các bảo mẫu dành rất nhiều tình yêu thương. |
Chứng kiến những cử chỉ chăm sóc mà bảo mẫu ở đây dành cho các em, chúng tôi không khỏi xúc động. Chính tình yêu thương ấm áp đó mà các em ở đây đã gọi những nhân viên, cán bộ của làng bằng 2 từ “bố”, “mẹ”.
Chị Trần Thị Ly (SN 1988), quê ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn và chị Trần Thị Thanh Toàn (SN 1981), quê ở xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc là những người "mẹ" đã chăm sóc, gắn bó với các em nhiều năm nay. Thế nhưng, ít ai biết được, 2 chị cũng từng là trẻ mồ côi, đã từng được làng trẻ nhận về chăm sóc. Mang tấm ân tình đó nên sau khi học xong, các chị đã quay lại làng làm việc để nối tiếp “sứ mệnh” chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ không cha, không mẹ tại đây.
Ngậm ngùi nhớ lại, chị Toàn xúc động cho biết, mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo, sau đó, bố đi lấy người đàn bà khác. Năm 1993, chị được nhận vào làng trẻ và cho đi học. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, chị Toàn đã quyết định quay về làng trẻ làm việc. “Tôi muốn gắn bó với làng trẻ, tôi mang ơn các bố, mẹ ở đây. Tôi muốn làm việc này để trả ơn nghĩa đó. Tôi mong muốn các em cảm nhận được tình yêu thương thực sự như tôi đã có…”, chị Toàn chia sẻ.
Không mong đến Tết
Đã 6 cái Tết trôi qua nhưng 2 anh em Hà Viết Tuyền (SN 1999), Hà Viết Tuyến (SN 2000), quê ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê mới chỉ về quê ăn Tết 2 lần. Năm nay, 2 anh em dự định về thắp hương cho bố, mẹ ngày 30 và mồng 1 Tết rồi sang ngày mồng 2 trở lại làng như năm ngoái. Bởi ở quê, anh em Tuyền chỉ còn ông ngoại là người gần gũi nhất, còn bố mẹ đã mất từ lâu. “Tết em cũng muốn về nhà lâu tí nhưng giờ không còn ai, em về thắp hương cho cha mẹ rồi lại vào… Em không mong đến Tết, nhớ mẹ, nhớ cha lắm…”, Tuyến nghẹn ngào.
Tuyến có gương mắt khôi ngô và học rất giỏi còn anh trai (người ngồi cúi mặt) lại là người rất chăm chỉ. |
Mồ côi cha mẹ, năm 2012, 2 anh em Tuyến được nhận vào Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Thời điểm đó, Tuyến 12 tuổi mới bắt đầu được đi học lớp 1, còn Tuyền (anh trai Tuyến) học nghề sơn ô tô. Tuyền ao ước có một công việc để kiến tiền nuôi em trai ăn học cho đến nơi đến chốn vì Tuyến học rất giỏi.
Không có nơi để về, không có bố mẹ để đoàn tụ nên nỗi lòng anh em Tuyến cũng giống như những đứa trẻ mồ côi ở đây. Đa phần các em đều không trông mong đến ngày Tết. Càng gần đến Tết, các em lại trở nên buồn bã, yếu đuối hơn. Hiểu nổi lòng của các em nên mỗi dịp Tết đến, các “bố”, “mẹ” tại làng trẻ luôn cố gắng để cho các em có một cái Tết đầy đủ và đầm ấm nhất.
Ông Nam cho biết, năm nào cũng vậy đến khoảng 26 Tết, các em sinh viên từng học tại trường năng khiếu tỉnh Hà Tĩnh lại đến trường cùng các “mẹ” đùm và nấu bánh rồi tổ chức vui Tết, phát quà và kẹo bánh cho các em. Không khí vui vẻ, đầm ấm khiến các em cũng vơi bớt đi phần nào nỗi buồn trong lòng.
Bà Vương Thị Liễu (SN 1966) là bảo mẫu tại trung tâm chia sẻ, 20 năm qua, bà đã gắn bó với làng trẻ này. “Tôi thương bọn trẻ như con đẻ của mình, dồn hết tình cảm cho các em ở đây từ sơ sinh cho đến trưởng thành. Ngoài chăm sóc, tôi thường tỉ tê trò chuyện với chúng nên hiểu bọn trẻ đứa nào cũng rất tủi thân mỗi dịp Tết đến. Chúng đều muốn được bố mẹ đưa đi chơi, được mặc quần áo mới. Chính vì vậy, Tết nào chúng tôi cũng trực 24/24, cùng cúng giao thừa, ăn bánh kẹo với lũ trẻ để các con đỡ tủi thân”, bà Liễu bày tỏ.
|
Dù thiếu vắng bàn tay và hơi ấm của cha mẹ, nhưng ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, các em luôn được sống trong tình yêu thương. |
“Cán bộ, nhân viên của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh không khi nào có cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Ngày nào chúng tôi cũng cắt cử người ở lại trực Tết, cả lãnh đạo lẫn bảo mẫu mỗi ngày ít nhất là 5 người để các em lúc nào cũng thấy ấm cúng. Chúng tôi được các cháu gọi bằng cái tên trìu mến là bố, mẹ dù không phải là máu mủ ruột rà. Để những đứa con của mình đỡ trống vắng hơn, ngoài việc quan tâm về vật chất chúng tôi cũng dành tình cảm cho các cháu như chính con ruột của mình”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh chia sẻ.
Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh hiện có 68 trẻ không nơi nương tựa, trong đó có 20 cháu tàn tật. Hằng năm, có từ 15-20 em phải ở lại Làng ăn Tết, có một số em chỉ về nhà thắp hương vài ngày sau đó trở lại Làng. Ở ngôi nhà chung này, Tết tuy thiếu vắng bàn tay cha và hơi ấm của mẹ nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương…
Tác giả: Ngân Hà
Nguồn tin: Báo Người đưa tin