Bà Bùi Thị Khương (85 tuổi) nuôi 3 đứa trẻ mồ côi. Bốn bà cháu đang mong muốn chính quyền địa phương trả lại mảnh đất sản xuất cho bà cháu (ảnh: TH) |
Bãi lầy 2ha sát bên căn nhà của cụ bà Bùi Thị Khương (85 tuổi, xóm 1, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bỗng trở nên “nóng” khi ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 3, xã Hương Thọ, nguyên Chủ tịch xã Hương Thọ và nay là Chủ tịch MTTQ xã Hương Thọ) xây dựng trại lợn. Để xả phân lợn, ông Hoàn đã thầu khoán luôn cái bãi lầy.
Bãi lầy (thuộc địa phận xóm 3) trước đây cỏ mọc um tùm, hoang hóa. Mãi sau này, khi bố mẹ của ba cháu Nga, Thông, Thương qua đời vì bệnh tật, ba cháu về ở với bà Khương. Nhờ bàn tay của 3 cháu, mảnh đất hoang hóa trở thành đất sản xuất, trồng lúa và hoa màu.
Ông cán bộ xã Hương Thọ và ba đứa trẻ mồ côi đang tranh chấp cái bãi lầy. (ảnh: TH) |
Cái khổ của bốn bà cháu mà cả xã ai cũng biết là phải sống trong căn nhà rách nát, kinh tế dựa vào tiền trợ cấp xã hội của bà Khương là 450 ngàn đồng/tháng và 1 xào đất để trồng hoa màu (không có đất trồng lúa-PV). Thế nên, 3 người cháu của bà Khương mới dốc sức khai hoang bãi lầy để trồng lúa, kiếm miếng ăn.
Cách đây mấy tháng, bãi lầy mà các cháu của bà Khương canh tác bỗng dưng chuyển sang cho ông Hoàn. Ông Hoàn cho người đem cọc bê tông, rào chắn tứ phía, chăn thả vịt và xả phân lợn xuống bãi lầy. Ông Hoàn cũng cho chở đất về đổ vào bãi lầy.
Nhà bà Khương rơi vào cảnh “mất” đất, nguồn nước ô nhiễm, mùi thối nồng nặc bốc lên tận nhà. Nguy hại hơn, cái giếng nước sinh hoạt hàng ngày của nhà bà Khương bên cạnh bãi lầy nên nước đã chuyển màu xanh rêu.
Ông Hoàn đã đóng cọc, giăng lưới rào xung quanh bãi lầy (ảnh: TH) |
Cháu Trần Văn Thông (SN 1995), cháu trai thứ hai của bà Khương cho biết: “Mấy tháng qua cháu gửi đơn kiến nghị lên xã, huyện đề nghị giải quyết vụ ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch MTTQ xã Hương Thọ chiếm mảnh đất hoang của gia đình cháu, nhưng chả ai giải quyết. Cháu gửi đơn lên xã, lãnh đạo xã trả lời “Anh có kiện tụng ở đâu thì cũng về đấy giải quyết”. Cháu chỉ biết nhờ cậy vào cơ quan báo chí, lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho 4 bà cháu lấy lại mảnh đất hoang tiếp tục canh tác”.
Cháu Thông cũng cho hay, hiện cháu vừa học vừa làm ở TP.Vinh (Nghệ An), cứ mỗi lần nghe tin ông Hoàn đóng cọc hay đem máy xúc nạo vét bãi lầy là bắt xe buýt về, không cho ông “tung tác”. Chúng cháu quyết giữ lấy mảnh đất khai hoang, một phần để canh tác, phần khác sợ mai này gia đình sẽ sống trong môi trường ô nhiễm, mùi phân lợn hôi thối, ảnh hưởng sức khỏe.
Bà Khương cho biết, chiều tối, đêm đến mùi phân lợn từ chuồng nhà ông Hoàn và bãi lầy xốc lên tận nhà. Bà lo sợ, chả mấy chốc nữa mà cái giếng không ăn được. Gia đình không biết đi lấy nước ở đâu mà sinh hoạt.
Theo tìm hiểu của PV, lý do ông Hoàn nhận thầu mảnh đất hoang hóa trên là để chăn nuôi 50 con lợn khép kín theo dự án C.P. Vị trí từ chuồng lợn đến nhà dân là cách 20m. Cái bãi lầy là thước đo khoảng cách tính từ chuồng lợn đến nhà bà Khương. Chất thải phân lợn dù đã qua xử lý nhưng vẫn hôi thối, đen xịt xả trực tiếp xuống bãi lầy rồi cho chảy ra cánh đồng gần đó.
Tuy nhiên, bãi lầy lâu nay do ba đứa trẻ cải tạo nên họ đã gieo mạ và ngâm hàng chục khúc gỗ dưới bùn.
Chất thải xả xuống bãi lầy (ảnh: TH) |
Ai đúng, ai sai?
Khi PV đem vấn đề trên hỏi ông Võ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, ông biện lý do không trả lời được vì mới đương nhiệm vị trí này được 2 tuần. Sau đó ông Thọ đề nghị PV hỏi ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch xã Hương Thọ.
Ngay sau đó, chúng tôi bắt máy gọi cho ông Cường. Qua điện thoại ông Cường cho biết: Bãi đất hoang đó là do xã quản lý (tức chưa có chủ-pv) và đúng có việc tranh chấp đất giữa ông Hoàn và anh Thông. Đến khi ông Hoàn có nhu cầu, làm đơn xin thầu đất để quản lý quỹ đất và phục vụ sản xuất thì xã đã ký hợp đồng.
Ông Hoàn đổ hàng chục m3 đất xuống lòng bãi lầy (ảnh: TH) |
Theo ông Cường, phía chính quyền xã, thôn đã mời hai gia đình họp yêu cầu chấm dứt tranh chấp. Theo quy định, một khi đang tranh chấp thì không được phép tác động lên mảnh đất đó. Tuy nhiên, hai hộ đều đưa vào sử dụng, dẫn đến nhiều mâu thuẫn.
Khi PV hỏi “vậy khi hai bên đang tranh chấp tại sao xã vẫn ký hợp đồng cho ông Hoàn thầu?” thì ông Cường im lặng!.
Cũng theo ông Cường, phía chính quyền đưa phương án giải quyết hợp lý nhất, nếu gia đình anh Thông có nhu cầu đất nông nghiệp để sản xuất thì địa phương vẫn còn đất dự phòng, giải quyết đất nơi khác. Còn vùng lầy trên đưa vào sản xuất sẽ không đưa lại hiệu quả. Ông Cường cũng nói lý do, bãi lầy này là thuộc xóm 3 chứ không phải xóm 1 nơi bốn bà cháu sinh sống.
Chú của cháu Thông là anh Trần Quốc Tuấn cho hay, ba đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ có mỗi mảnh đất hoang để sản xuất cũng bị lấy mất. Khi tranh chấp kéo dài, không giải quyết xong, xã mới đi “cầu thị” gia đình rằng xã đang có đất dự phòng, nhưng đất ở đâu, bao nhiêu diện tích và có khả năng sản xuất được không thì xã lại nói sẽ giải quyết. “Công khai hoang bãi lầy là do gia đình tôi, giờ chuyển qua ông Hoàn thì phía chính quyền, ông Hoàn không hề nói một câu với gia đình” – anh Tuấn nói.
Giếng nước nhà bà Khương bắt đầu ô nhiễm (ảnh: TH) |
Được biết, mảnh đất hoang đó được gia đình cháu Thông canh tác lâu nay, mỗi năm 1 vụ trồng lúa. Ba anh chị em Thông mồ côi cha mẹ, sống với bà nội là bà Khương (85 tuổi). Do quá vất vả, cháu đầu là Trần Thị Nga (SN 1993) phải bỏ học vào nam làm thuê để nuôi bà và hai em ăn học. Cháu thứ 2 là Trần Văn Thông (SN 1995), hiện đang theo học lớp dạy nghề ở TP.Vinh (Nghệ An). Cháu thứ 3 là Trần Mai Thương (SN 2008) học lớp 1. Cả 4 bà cháu sống trong căn nhà ủ dột, rách nát, nương tựa vào nhau để sinh sống.
Tại Khoản 4, Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai quy định: ” Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định”.
Đối chiếu với quy định này cho thấy, trước khi tranh chấp xảy ra thì gia đình anh Trần Văn Thông, phải được công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích khai hoang này. Việc UBND xã Hương Thọ cho người khác thuê mà không làm thủ tục để công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình anh Thông là trái quy định của pháp luật.
Việc ông Nguyễn Văn Hoàn thầu để làm trang trại trên phần đất này gây ảnh hưởng đến môi trường và dẫn đến tranh chấp với hộ gia đình anh Thông là gây dư luận không tốt trong nhân dân và cần được các cấp chính quyền vào cuộc xử lý dứt điểm.
Cũng theo quy định của luật đất đai hiện hành, toàn bộ diện tích do gia đình anh Thông đã khai hoang, sử dụng từ trước đến nay, mà UBND xã Hương Thọ muốn cho thuê hay đấu thầu để làm dự án trang trại chăn nuôi lợn cho ông Nguyễn Văn Hoàn thì bắt buộc phải lập hồ sơ đề nghị UBND huyện thu hồi đất này theo quy định, sau đó mới tiến hành các thủ tục cho thuê hoặc đấu thầu.
Việc mảnh đất bãi lầy trên đã có người khai hoang và đang sử dụng mà UBND xã lại lấy cho người khác thuê, không thông qua với gia đình anh Thông là trái với quy định luật đất đai.
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh.