Thiếu ngân sách, trường hoạt động khó khăn
Ông Đoàn Đình Anh- Trưởng ban VHGD Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại 1 cơ sở giáo dục huyện Cẩm Xuyên |
Không được cấp đủ chi, nhiềucơ sở giáo dục xuống cấp. Năm 2014, tại Hà Tĩnh có 59 trường đạt chuẩn quốc gia bị rút, trong đó huyện Hương Khê, một huyện miền núi có phong trào làm trường chuẩn quốc gia tiêu biểu nhất, bị rút 11 trường từ chuẩn quốc gia xuống không đạt chuẩn.
“Hoạt động giáo dục của nhà trường mỗi năm mỗi khác, năm sau yêu cầu lại cao hơn năm trước. Một năm chúng tôi có hàng chục cuộc mà cuộc nào cũng cần tiền nào là khai giảng, tổng kết. Nào là đại hội (chi bộ, đoàn, đội, CNVC…); nào là các ngày lễ trọng: 8/3, 26/3, 19/5, 27/7, 20/10, 20/11, 22/12; Nào là tuần lễ học tập suốt đời, và nhiều cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, thi HSG, thi viết vẽ., thi tìm hiểu luật pháp, thi tìm hiểu ATGT, tìm hiểu về Nguyễn Du, “truyện Kiều” vv…
Chưa hết còn đổi mới giáo dục, triển khai chương trình VNEN mà bất cứ cuộc nào cũng không thể bỏ, nên vô cùng lúng túng” – Cô Phạm Thị P. (Hiệu trưởng trường Tiểu học ở Đức Thọ) chia sẻ.
Mấy năm gần đây, thực hiện đề án sắp xếp lại mạng lưới các trường lớp đã tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng một số trường học vì không được cấp kinh phí nên rơi vào tình trạng khó khăn.
Thầy Lê Khắc H. (Thị trấn Hương Khê) bức xúc: “Trong 3 năm, trường chúng tôi có 2 đợt nhập trường. Đợt 1: nhập 152 em từ xã Hương Xuân; đợt 2 nhập 204 em từ xã Lộc Yên, nâng số lớp lên 24 và số học sinh lên 818 em mà không được cấp thêm đồng nào.
Hiện nhà trường phải lấy phòng bộ môn làm phòng học mới đủ bố trí học một ca, bàn ghế chủ yếu bàn kiểu cũ ngồi 4 em/1 bàn. Nhiều cuộc họp, tôi đã kiến nghị, nhưng chẳng có thay đổi gì. Buồn quá!”
“Trút gánh nặng ngân sách xuống phụ huynh”
Trong nghị quyết 136/2010/NQ-HĐND ở “ Điều 2: Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này”. Trách nhiệm đã rõ. Vấn đề này rất mong UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét và giải quyết.
Quyết định 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiền lương, phụ cấp, đóng góp các khoản bảo hiểm đảm bảo mức 80% và chi thường xuyên đảm bảo mức 20%. Về Hà Tĩnh, do hoàn cảnh riêng, kinh phí chi cho thường xuyên chỉ còn 15%.
Tại Nghị quyết số 136/2010 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh về việc: “Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; Tỷ lệ phần trăm(%) phân chia nguồn thu giữa các câp ngân sách giai đoạn 2011-2015; Định mức phân bố chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011” ở “Mục VIII. Chi cho sự nghiệp giáo dục” ghi rõ: “Phân bố định mức chi/ 1 biên chế cán bộ viên chức sự nghiệp giáo dục cấp huyện; tính đủ tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, đảm bảo chi hoạt động sự nghiệp mức 15% trên tổng chi thường xuyên”. Đồng ý là tỷ lệ 15% là so với năm đầu chu kỳ ngân sách, những năm sau do biến động tiền lương nên tỷ lệ trên có thể giảm, nhưng không thể thiếu như vậy.
Không hiểu tại sao 5 năm qua, Nghị quyết số 136/2010/ NQ-HĐND lại không được thực hiện nghiêm túc? “Điều kỳ lạ là không được cấp chi thường xuyên đầy đủ nhưng giáo dục Hà Tĩnh những năm qua vẫn nằm trong tốp đầu của cả nước. Chỉ có cách là trút gánh nặng ngân sách lên phụ huynh học sinh. Chả thế mà cứ vào đầu năm học chuyện tiền trường tại Hà Tĩnh lại “nóng” lên”. Một nhà giáo hưu trí (đề nghị dấu tên) lên tiếng.
Trong 4 năm qua Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 2 cuộc giám sát việc thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục công lập, đã phát hiện việc cấp ngân sách chi khác cho các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo theo quy định của Nghị quyết 136/2010/HĐND và đã ban hành các kiến nghị đối với HĐND và UBND các cấp. Sau giám sát việc phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục đã được HĐND các huyện quan tâm, tuy vậy so với quy định thì một số huyện chưa đảm bảo, nên các trường gặp nhiều khó khăn trong hoạt động…
Ông Đoàn Đình Anh- Trưởng ban VHGD Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh