Đền Gôi Vị (xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được xây dựng vào năm 1715. Đền thờ bốn vị phúc thần có công với nước của các triều đại phong kiến Việt Nam, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng.
Phía sau đền có một tháp am hình chóp cao gần 4 m, rộng 2 m. Ở phía trên đỉnh, có cây bồ đề cổ thụ mọc lên, rễ bao trùm đỉnh và thân tháp.
Một số cụ cao niên trong làng cho hay, cây bồ đề có độ tuổi khoảng 200 năm. Cây cao 20 m, tán rộng 10 m, có nhiều rễ lớn bám xung quanh tháp am.
Tháp am thờ bà Phan Thị, vợ Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn (1670 – 1716), người đi sứ phương Bắc về lâm bệnh rồi chết. Tương truyền, sau khi phu quân mất, bà Phan Thị đã tuẫn tiết theo chồng. Hành động cao đẹp ấy làm lay động trái tim vua Lê, ông liền ban tặng cho bà Phan thị danh hiệu “Á Thần Nhân”, cho lập bàn thờ, ban cho bảng vàng khắc 2 chữ “tiết phụ” để khen ngợi. Người dân địa phương sau đó dựng am để thờ bà.
Ở dưới chân tháp, rễ cây bồ đề quấn xung quanh. Nhìn từ dưới lên, toàn bộ cây thẳng tắp, thế rất đẹp.
Ông Hà Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hòa cho biết, theo quan niệm dân gian, ngôi tháp ở phía sau được xây lên với mục đích là điểm tự, để đền phía trước được thêm vững chãi.
Toàn bộ tháp được xây bằng gạch đỏ, xếp tầng lên nhau. Qua thời gian, nhiều viên đã nứt vỡ, rêu phong bám phủ.
Bộ rễ của cây bồ đề bám quanh 4 mặt tháp có chiều rộng mỗi mặt hơn 2 m, người ôm không xuể.
Ở cạnh một số hốc rễ, cứ ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, người dân thường đến thắp hương, cầu bình an trong cuộc sống.
“Đền Gôi Vị cùng với tháp am là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để xin công nhận đền là di tích cấp Quốc gia”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hòa Hà Ngọc Tuấn nói.