|
Đơn cầu cứu của gia đình thân nhân liệt sỹ
Theo đơn trình bày của ông Lê Duy Khánh gia đình tôi bố mẹ là người có công với cách mạng, anh trai là liệt sĩ Lê Bá Cảnh hy sinh năm 1972 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Năm 1980 anh trai thứ 2 là Lê Nhật Thành khai hoang thửa đất tại thôn Lâm Hải, xã Kỳ Lâm nay là thôn Đông Hà, huyện Kỳ Anh, với diện tích khoảng 500 m2 ở thửa đất số 37, tờ số 6, bản đồ 299. Sau đó anh tôi chuyển vào miền Nam làm vùng kinh tế mới nên mẹ tôi quản lý, sử dụng ổn định đến nay không có tranh chấp.
Đến năm 1997 tôi làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm nhà ở nhưng UBND xã Kỳ Lâm không chấp thuận.
Năm 2012, tôi đi làm ăn xa ở nhà chỉ mỗi bố mẹ già 87 tuổi. UBND xã Kỳ Lâm đã lợi dụng người già mắt mờ, tai kém để thu hồi đất của gia đình tôi bán cho người xã khác, trong quá trình thu hồi UBND xã Kỳ Lâm đo đạc kiểm kê chỉ hơn 200m2 đất mặt đường quốc lộ 12C áp giá bồi thường hơn 5.965.000 đồng/200m2 cho bố mẹ tôi, sau khi phát hiện con cái đã ngăn cản và mẹ tôi đã trả tiền lại cho xã.
Mọi hồ sơ cấp đất đều xã làm giả và mượn hộ khẩu hai hộ dân là (ông Nguyễn Huy Hoàng và Trần Xuân Hoàn) trên địa bàn xã nhằm hợp thức hóa hồ sơ cấp đất xen dắm để bán đất tiền trao qua tay (không có phiếu thu theo quy định). Trong lúc gia đình chúng tôi có nhu cầu về đất để làm nhà lại không được cấp.
Mặc dù tôi đã làm đơn khiếu nại tố cáo đến UBND nhân huyện nhiều lần nhưng xã huyện cố tình bao che cho nhau không giải quyết trả lại quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luật cho gia đình tôi. Xã ngang nhiên cướp đất của bố mẹ liệt sỹ để bán thu lợi bất chính gần 1 tỉ đồng.
Sau khi nhận được đơn thư cầu cứu của ông Lê Duy Khánh, phóng viên trực tiếp địa phương tìm hiểu và xác minh vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu tại UBND xã Kỳ Lâm nhưng chính quyền xã gây khó khăn, né tránh báo chí, thiếu phối hợp cung cấp hồ sơ làm rõ quyền lợi của người dân với nhiều lý do khác nhau.
Theo hồ sơ bồi thường, ngày 20.12.2012 UBND huyện Kỳ Anh ra quyết định số 4713/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch khu dân cư thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh. Tiến hành thu hồi của ông Lê Loan (bố ông Khánh) với diện tích 223,4m2 ở số thửa 37 tờ số 6 bản đồ 299.TTG với giá bồi thường hỗ trợ 5.965.000 đồng.
|
Mảnh đất của gia đình thân liệt sĩ, đã bị UBND xã Kỳ Lâm thu hồi và bán cho người khác
Điều ngược đời là: Ngày 28.12.2012 UBND huyện Kỳ Anh mới ra quyết định số 3090/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án quy hoạch khu dân cư. Theo quyết định thì đến năm 2013 mới tiến hành thu hồi đất, thế nhưng năm 2011 chính quyền xã Kỳ Lâm đã định hướng trước được 2 lô đất tại vị trí mặt đường quốc lộ 12C với diện tích 400 m2 cho hai hộ dân (ông Nguyễn Huy Hoàng và Trần Xuân Hoàn).
Đất có nguồn gốc trước năm 1980 được thể hiện trên bản đồ 299, đất có trước khi nghị định 64/CP ra đời. Hơn nữa năm 1997 ông Khánh có nhu cầu về đất ở, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm nhà ở nhưng chính quyền xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh không chấp hành đúng quy định, khước từ để lấy đất bán cho người khác, bất chấp quy định của pháp luật.
Trước phản ánh của người dân, hai hộ này không đủ điều kiện cấp đất xen dắm, phóng viên liên hệ ông Phạm Thái Hoa – Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm để nắm rõ hơn những hồ sơ liên quan cấp đất, như tờ trình; văn bản chấp thuận của UBND huyện; đơn xin cấp đất và hộ khẩu chứng thực. Nhưng ông Hoa né tránh hết lần này đến lần khác với đủ mọi lý do; như hồ sơ do địa chính lưu trữ, nhưng giờ địa chính đang không có ở cơ quan, địa chính ốm, bận họp chi bộ, họp cấp ủy rồi yêu cầu phải có giấy giới thiệu riêng của vụ việc. Khi PV trình giấy thì ông Hoa lại lấy lý do bận họp.
Trước những việc làm khuất tất, khiến dư luận không khỏi hoài nghi liệu chính quyền xã Kỳ Lâm có ngang nhiên lấy đất của gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ để bán và trục lợi theo lợi ích nhóm là hoàn toàn có cơ sở.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc làm rõ xử lý sai phạm trả lại quyền lợi cho người có công, con em liệt sĩ.
Tác giả: Quang Toản – Xuân Bắc
Nguồn tin: Tạp chí Tri Ân