Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu, chỉ đạo công tác tuyên truyền kỉ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập. |
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ra tại xã Cẩm Hưng (trước là Tổng Thổ Ngọa, sau đổi thành xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), một vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng.
Ông sinh ngày 24.4.1906, trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân phụ ông là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với làng quê. Gia đình ông bà có năm người con, Hà Huy Tập là người con thứ hai trong gia đình.
Năm 1913, Hà Huy Tập bắt đầu đi học ở trường xã. Năm 1917 học xong trường xã, đỗ đầu trong kì thi tốt nghiệp trường sơ học ở tổng Thổ Ngọa. Năm 1923, ông tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng loại ưu. Không có tiền học tiếp nên ông xin làm giáo viên ở một trường tiểu học tại Nha Trang, sau chuyển về trường tiểu học Xuân Dục, Vinh. Là một giáo viên cương trực, thẳng thắn, ông luôn đả kích những hành động sai trái của bọn thực dân, phong kiến, đứng về phía những người nghèo khổ và bênh vực cho họ. Từ đó, đồng chí luôn trăn trở và đi tìm lời giải đáp ch một câu hỏi lớn đặt ra là làm cách nào để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.
Mùa thu năm 1926, đồng chí được gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam), một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh. Thông qua nhiều tài liệu báo chí Cộng sản, con đường đấu tranh cách mạng của ông từng bước được định hình rõ.
Từ năm 1927 đến năm 1936, Hà huy Tập đã hoạt động cách mạng tích cực ở nhiều địa phương từ Vinh, Sài Gòn, Trung Quốc…
Tháng 7.1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hà Huy Tập tham dự Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng, hội nghị phân công đồng chí về nước tổ chức lại Ban chấp hành trung ương mới và khô phục các mối quan hệ với các tổ chức Đảng trong nước.
Tháng 10.1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban chấp hành trung ương mới. Tại Hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng bí thư của Đảng.
Ngày 1.5.1938, trong một chuyến đi công tác, Hà Huy Tập bị bọn mật thám bắt và đẩy vào nhà giam nhưng chỉ sau mấy tháng được thả do mật thám Pháp không đủ bằng chứng để kết tội. Ngày 30.3.1940, chúng bắt Hà Huy Tập và đưa vào giam tại Khám Lớn, Sài Gòn. Ngày 22.10.1940, Tòa án thực dân Pháp tại Sài Gòn kết án 5 năm tù, “tước quyền công dân và chính trị, 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ”. Ngày 25.3.1941, thực dân Pháp mở tòa án binh, đưa hàng trăm người bị bắt ra xử án. Hà Huy Tập bị buộc tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”, chúng tuyên án tử hình Hà Huy Tập cùng nhiều đồng chí khác như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai…
Ngày 28.8.1941, thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập và một số đồng chí khác ra xử bắn tại Sở Rác (nay là bệnh viện huyện Hóc Môn, Gia Định). Đồng chí ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Khí phách hiện ngang, tinh thần kiên trung cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Tại cuộc Họp báo, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã chỉ đạo công tác tuyên truyền kỉ niệm 110 năm Tổng Bí thư Hà Huy Tập.Theo ông, việc tuyên truyền về Tổng Bí thư là chưa nhiều, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân đối với Tổng Bí thư. Vốn là mảnh đất giàu truyền thống, là quê hương của đồng chí Hà Huy Tập, đây còn là cơ hội để quảng bá nhiều hơn về Hà Tĩnh đến với bạn bè cả nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Nữ Y, phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo công tác tuyên truyền về ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016-2021 |
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo công tác tuyên truyền về ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016-2021. Ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22.5.2016.
Nhiều câu hỏi của các nhà báo đã được đặt ra về công tác phát ngôn với báo chí về công tác tuyên truyền kỉ niệm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập, công tác tổ chức bầu cử. Đặc biệt, số ứng cử viên tự do và những giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu được các nhà báo hết sức quan tâm. Những câu hỏi, thắc mắc này đã được bà Nguyễn Thị Nữ Y và ông Đặng Quốc Cương, bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên giải đáp thấu đáo.
Mai Nguyễn – Đặng Sơn