UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND TP về đề xuất tăng mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường lên gấp 3 lần so hiện nay.
Nhiều khu vực vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội được sử dụng làm nơi giữ xe |
Cụ thể, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ôtô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm), tăng từ 80.000 đồng lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay).
Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến nằm trong khu vực đường vành đai 1 tăng từ 60.000 đồng lên 150.000 đồng/m2/tháng; một số lòng đường, hè phố các tuyến phố khác trong nội đô tăng từ 45.000-60.000 đồng lên từ 60.000-80.000 đồng/m2/tháng. Phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng…
Giải thích về việc tăng phí, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến nói mức phí này duy trì nhiều năm qua và không còn phù hợp. Do vậy, UBND TP đề xuất tăng để phù hợp tình hình hiện tại.
Theo ông Tiến, việc tăng mức phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân; giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại cũng như việc ứng dụng điểm đỗ xe thông minh - Iparking.
Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, cho rằng nội thành Hà Nội đang thiếu chỗ gửi xe, khi hạ tầng giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu mà tính chuyện tăng phí là chưa hợp lý. Bởi đối tượng chịu tác động của đề xuất này là người dân. Nền kinh tế còn đang khó khăn thì không thể làm được. Muốn giải quyết việc này cần tính toán xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để phục vụ nhu cầu của người dân, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bằng các ưu đãi để họ đầu tư các điểm, bãi đỗ xe hiện đại, văn minh. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực vận tải công cộng cho người dân đi lại.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng nếu vì mục đích nâng cao phục vụ đời sống người dân mà phải tăng phí và sử dụng vỉa hè lòng đường này để đầu tư kinh doanh lợi ích công cộng thì Hà Nội có thể thực hiện. Việc thu phí cao cũng là một biện pháp mềm trong quản lý giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô. Nhưng thực hiện ngay việc này là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo luật sư Anh, bản chất lòng đường là loại hình công trình công cộng, được đầu tư bởi ngân sách, tiền thuế của dân. Do vậy, bất cứ hoạt động gì trong công trình công cộng thì người dân cũng phải được hưởng lợi. Nếu việc này là loại hình kinh doanh dịch vụ để thu ngân sách địa phương nhưng sử dụng ngân sách không hiệu quả, gây thất thoát là không hợp lý. Nếu muốn triển khai thì Hà Nội nên tính toán các hậu quả của việc làm đó lên toàn bộ xã hội.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng đề xuất này hoàn toàn phù hợp với pháp lý hiện hành cũng như bối cảnh của TP Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết năm 2016, tổng số phí từ hoạt động trông giữ xe trên địa bàn được các đơn vị nộp vào ngân sách nhà nước TP là gần 39 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm 2017 là gần 29 tỉ đồng...
Sẽ xin ý kiến người dân Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, cho biết đề xuất này đã được lãnh đạo UBND TP trình HĐND. Tới đây, dự thảo nghị quyết và quy định sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử để xin ý kiến người dân. Theo ông Quân, ý kiến người dân là kênh tham khảo rất quan trọng để cơ quan nhà nước có thể xem xét quyết định vừa bảo đảm đúng luật, vừa phù hợp, nghị quyết có tính khả thi cao. Đề xuất sẽ được trình kỳ họp HĐND TP diễn ra vào tháng 12, nếu được các đại biểu HĐND thông qua thì sẽ cho áp dụng vào đầu năm 2018. |
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Người lao động