Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, khoảng tháng Mười Hai tới đây, TP.Hà Nội sẽ tiến hành việc nạo vét, cải tạo nước Hồ Gươm. Hiện, phương án nạo vét đã được các cơ quan chức năng trình TP phê duyệt.
Theo tìm hiểu của PV, trước thời điểm trình kế hoạch lên TP phê duyệt, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (đơn vị thực hiện nạo vét) cùng với các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu khảo sát đánh giá môi trường, đồng thời xin ý kiến của các chuyên gia.
Nhóm công nhân tiến hành lấy mẫu nước phục vụ công tác nạo vét Hồ Gươm. |
Một trong số nhiệm vụ được các chuyên gia lưu ý khi tiến hành thực hiện nạo vét, cải tạo Hồ Gươm là bảo tồn, gìn giữ loài tảo xanh đặc trưng không nơi nào có. Tuy nhiên, theo nguồn tin PV nhận được, kết quả khảo sát vừa qua cho thấy, loài tảo xanh đặc trưng này đã bị sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí đã “biến mất” khỏi Hồ Gươm.
Xác nhận với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: “Đúng là loài tảo này gần như không còn trong hồ, mà chỉ còn chủ yếu là tảo độc”.
Trước câu hỏi liệu có thể khôi phục được loài tảo đặc trưng này không, vị lãnh đạo đơn vị này cho biết. “Chúng tôi cũng tính tới phương án cấy lại loài tảo này để khôi phục màu xanh. Tuy nhiên, phải có tảo giống và trước mắt là phải nạo vét làm sạch nước hồ. Khi nào TP thông qua phương án, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể”, vị này nói thêm.
Trước đó, theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: "Hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng và đã mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Nước hồ ở một số vị trí bị đổi màu, không còn giữ được màu xanh đặc hữu. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn dưới đáy hồ Hoàn Kiếm rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước chỉ còn 0,5-0,8m".
Theo phương án đề xuất của đơn vị này đưa ra, việc nạo vét sẽ tiến hành ở toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5,6m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7m. Với phạm vi 7m từ chân kè ra là 5m đất nền cứng với nhiều gạch đá, 2m là bùn.
Chiều sâu nạo vét bùn xuống khoảng 0,7m... Tổng khối lượng nạo vét là 57.400m3, diện tích khu vực nạo vét bùn là 97.455,78m2.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!
Tác giả: Nhất Nam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin