“Cơ quan chức năng cần khẩn trương công bố kết quả giám định mẫu chất thải lấy tại hiện trường. Nếu như mẫu giám định cho kết quả không “lành tính” như mẫu giám định trước đó mà Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh công bố thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tôi e rằng, không loại trừ yếu tố gian dối, “lập lờ” trong câu chữ của văn bản ban hành” – Đó là nhận định của GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp – Học viện Hành chính Quốc gia khi trao đổi với PV Người Đưa Tin.
Sau khi sự việc chấn động Formosa chôn chất thải tại trang trại Giám đốc công ty đô thị xã Kỳ Anh, Formosa đã đổ lỗi cho công ty Môi trường đô thị chôn rác thải sai quy định. Ông nhận định sao về sự việc này?
Câu hỏi mà tôi cũng như dư luận đặc biệt quan tâm là tại sao Giám đốc công ty Môi trường thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại cho chôn lấp ở trong trai trại của mình khi không có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp xử lý chất thải.
Tôi xin thẳng thắn nói rằng, có dấu hiệu tiêu cực ở đây. Theo tôi, ngoài trách nhiệm của Formosa, vị Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh có trách nhiệm rất lớn trong việc xử lý chất thải đó là cố ý làm trái quy định.
Cơ quan chức năng cần công bố mẫu giám định được lấy từ trang trại kia có phải là chất thải nguy hại hay không, có như vậy mới làm rõ liệu có sự gian đối của Formosa trong xử lý chất thải. |
Cũng từ sự việc này cho thấy, Formosa có sự gian dối và lợi dụng kẽ hở của doanh nghiệp trong nước để “phủi” trách nhiệm.
Thế nên, Formosa đưa ra “chứng cứ” là bản hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải công nghiệp Formosa (bên A) ký với công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (bên B) có ghi “giấy chứng nhận bùn bánh của xưởng xử lý nước thải công nghiệp Công ty Formosa là chất thải công nghiệp thông thường, do Chi cục Bảo vệ Môi trường ( Sở TN-MT Hà Tĩnh) cấp.
Theo hợp đồng, khi chất thải được đưa ra khỏi xưởng của công ty này thì công ty môi trường phải chịu trách nhiệm.
Chắc hẳn, trước khi hợp tác, Formosa biết rõ công ty Môi trường không có chức năng xử lý chất thải nhưng đã lợi dụng sơ hở “thòng” hợp đồng để “né” trách nhiệm pháp lý sau này. Tuy nhiên, theo tôi, Formosa ký hợp đồng với bên vận chuyển và xử lý chất thải không có chức năng thì chủ nguồn thải cũng phải chịu trách nhiệm.
Được biết, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh đã từng lấy mẫu chất thải để giám địn, vì thế, Formosa có “giấy phép bảo đảm” chất thải không nguy hại. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, cơ quan chức năng cần công bố mẫu giám định được lấy từ trang trại kia có phải là chất thải nguy hại hay không, có như vậy mới làm rõ liệu có sự gian đối của Formosa trong xử lý chất thải. Nếu như mẫu mang đi xét nghiệm trước đó và mẫu tại hiện trường là khác nhau mới làm rõ trắng đen sự việc.
Tôi giả sử, mẫu mang đi giám định chỉ bằng cái móng tay (mẫu an toàn-PV) nhưng mẫu chất thải được “xuất kho” với số lượng quá lớn, lên đến mấy trăm tấn thì không loại trừ vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Nếu lấy kết quả giám định trước đó để khẳng định chất thải tại hiện trường không nguy hại thì chưa đảm bảo được độ chính xác.
Theo tôi được biết, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu quy định: “Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại”.
Việc một kết quả phân tích mẫu chất thải xác định các thông số phân tích “đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại” được Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hà Tĩnh hiểu là “yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại” cần được Chi cục này giải thích cụ thể.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh đến việc lấy mẫu xét nghiệm trước đó và mẫu tại hiện trường. Liệu mẫu mang đi giám định và mẫu được xả thải, chôn lấp tại trang tại có phải là một không?
Với kết quả của Viện Công nghệ và Môi trường (Đại học Bách Khoa) công bố và văn bản mà Chị cục Bảo vệ Môi trường đưa ra có sự “lập lờ”. Chất thải nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường có phải là một? Điều này cần có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn để làm rõ.
Cũng chính vì sự “lập lờ” trong văn bản mà Chị cục Bảo vệ Môi trường ban hành, dư luận có quyền đặt dấu hỏi liệu đây có phải là “giấy phép con” giúp Formosa xử lý chất thải dễ dàng? Trên thực tế, Formosa đã lấy văn bản đó làm căn cứ khẳng định chất thải của doanh nghiệp là chất thải thông thường.
Cũng theo Formosa, trong hợp đồng giữa bên A và bên B ghi rõ: Bên B phải đưa bùn bánh đến khu xử lý chất thải trên địa bàn Hà Tĩnh đã được Sở TN-MT Hà Tĩnh cấp giấy phép, nghiêm cấm tự ý vứt bỏ hoặc xử lý không đúng trong hợp đồng. Bùn bánh khi ra khỏi xưởng thì do bên công ty môi trường chịu trách nhiệm. Nên để xảy ra điều gì sẽ do bên B chịu trách nhiệm. Formosa đã vận dụng văn bản đó làm “bùa hộ mệnh” cho mình.
Formosa đã tận dụng văn bản mà Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh ban hành một cách linh hoạt. Trong khi đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường ban hành văn bản lại dùng câu chữ lập lờ, không rõ ràng, minh bạch.
Phải chăng Chi cục Bảo vệ Môi trường đã “vượt quyền” khi bàn hành văn bản này, thưa ông?
Chi cục Bảo vệ môi trường là đơn vi trực thuộc Sở TN-MT và có chức năng giúp đơn vị này quản lý công tác bảo vệ môi trường trên một số lĩnh vực lĩnh vực như quan trắc, kiểm tra, giám sát, phòng chống ô nhiễm…
Trước hết, qua sự việc cho thấy sự tắc trách ở các khâu. Chi cục Bảo vệ phải có báo cáo lên Sở TN-MT để có kế hoạch tổ chức giám sát, xử lý chất thải có đúng quy định hay không. Việc Chi cục Bảo vệ Môi trường ban hành văn bản mà cấp trên không biến dẫn đến sự quan liêu trong các xử lý. Đối vấn đề rác thải, Chi cục Bảo vệ Môi trường phải báo cáo Sở TN-MT, thậm chí, nếu phức tạp phải báo cáo Bộ TN-MT.
Sự việc “vòng vo” khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có sự “đi đêm” không minh bạch cũng như cái “bắt tay” lợi ích trong việc xử lý rác thải. |
Sự việc xảy ra, Giám đốc Sở TN-MT bức xúc vì không hề biết cấp dưới ký văn bản trên. Theo ông, trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường và Giám đốc Sở TN-MT như thế nào trong sự việc này?
Theo quan điểm của tôi, Chi cục Bảo vệ Môi trường không báo cáo lên Sở TN-MT là vượt quyền và phải xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan ra văn bản. Bên cạnh đó, cũng cần quy trách nhiệm người đứng đầu Sở TN-MT. Khuyết điểm của Sở TN-MT là không nắm được hoạt động của cơ sở, thiếu sự rốt ráo kiểm tra, kiểm soát.
Sự việc “vòng vo” khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có sự “đi đêm” không minh bạch cũng như cái “bắt tay” lợi ích trong việc xử lý rác thải. Theo tôi, với sự việc phức tạp này, cần có sự phán quyết của tòa án. Chúng ta quản lý phải bằng luật pháp và việc xử lý cũng phải đúng theo luật.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
HƯƠNG LAN
Nguồn: Người đưa tin