Trong nước

GS Nguyễn Lân Dũng: ‘Đi nước ngoài học trồng cây người ta cười cho’

Mới đây, Văn Phòng UBND TP Hà Nội phát đi Thông báo về công tác cắt tỉa cây xanh và trồng mới thay thế trên các tuyến phố.

“Những cây có trong nước mà đi ra nước ngoài học là phí tiền, nói đi nước ngoài học cắt tỉa, trồng cây người ta, những bạn học nông nghiệp sẽ cười cho.”

Trong đó, đáng chú ý có nội dung cử cán bộ đi ra nước ngoài học tập ngắn hạn kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh.

“Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Công ty theo hướng: Thành lập các đơn vị cắt tỉa chuyên nghiệp; Thành lập các xí nghiệp trồng cây mới và phát triển cây giống; Thành lập các xí nghiệp quản lý cây xanh; Thành lập các đơn vị quản lý công viên, vườn hoa. Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí chọn một số cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ về cắt tỉa đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại Singgapo, Trung Quốc” – thông báo nêu rõ.

GS Nguyễn Lân Dũng: ‘Đi nước ngoài học trồng cây người ta cười cho' - Ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Nói đi học trồng cây người ta cười cho”.

Xung quanh đề xuất này, có ý kiến cho rằng, việc cử cán bộ đi ra nước ngoài học trồng cây là không cần thiết, lãng phí. Bạn đọc gay gắt hơn còn đặt câu hỏi “ngay cả việc trồng cây mà cũng phải ra nước ngoài học tập thì không biết người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ở đâu?”

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, cần xem xét kỹ, nếu đi học cái mà Việt Nam chưa có thì là đúng. Tuy nhiên, nếu đi học trồng cây mà trong nước có kinh nghiệm thì đó là việc làm phí tiền.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ra ví dụ: “Tôi sang Đài Loan, họ có tạo ra giống cây hoa mà nở ở nhiệt độ 40 độ C. Đó là loại cây trồng ở hè phố. Những cây đó thì chúng ta nên mua giống cây về trồng, chứ không phải đi học.”

Theo giáo sư Dũng, việc đi học và đi mua giống cây về trồng là 2 chuyện khác nhau. “Nếu đi mua những giống cây mà ở Việt Nam chưa có thì đáng khuyến khích, thí dụ như cây hoa nở ở nhiệt độ 40 độ C của Đài Loan thì tôi thấy đáng mua về trồng ngoài đường phố Hà Nội” GS Dũng chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh: “Nói đi học trồng cây người ta cười cho, các bạn học lâm nghiệp cười cho.”

“Tôi xin nhắc lại, chúng ta nên đi học để tạo những cây gì mình không có” – Giáo sư đưa ra quan điểm.

Trên tờ báo Infonet, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay trong nước có rất nhiều chuyên gia từng đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp hay quy hoạch kiến trúc đô thị, những người này hoàn toàn có đủ trình độ và hơn hết là hiểu biết về Hà Nội để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho quy hoạch đô thị.

PGS Hùng phân tích: “Không ai hiểu Việt Nam bằng người Việt Nam, vậy tại sao phải cử người đi nước ngoài học tập?”

Góp ý về đề xuất cử người đi nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh vấn đề tìm kiếm chuyên gia, theo ông Hùng, cần phải tìm hiểu xem những chuyên gia đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của UBND Thành phố ở đâu, họ chủ yếu là những người đang công tác tại các trường chuyên ngành về sinh học hay kiến trúc.

Những người này hoàn toàn có thể tập trung lại thành một nhóm, sử dụng chất xám để giải quyết những vấn đề khúc mắc trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là vấn đề cây xanh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng đặt ra một số câu hỏi: “Quy hoạch đô thị thì cũng cần phải biết nhu cầu của đô thị là gì? Hà Nội cần bao nhiêu loại cây đô thị hay chỉ 1-2 loại cây? Chẳng lẽ cùng 1 tuyến phố mà trồng cả một hàng cây hoa sữa thì người dân khu đó chịu sao nổi?”.

Xét về thực tế vào thời điểm hiện tại, những người Việt Nam có trình độ đáp ứng đủ nhu cầu quy hoạch đô thị là không ít nhưng lại đang nằm rải rác khắp nơi, chưa có một tiếng nói hay góp ý chung.

Theo ông Hùng, những người này là con dân Việt Nam và trong thâm tâm họ muốn Thủ đô của họ có một diện mạo mới nên nếu sử dụng chất xám của họ thì sẽ phát huy tốt nội lực vốn có sẵn của đất nước. Còn việc đưa người đi ra nước bạn chỉ để học tập là tốt nhưng không phải cái gì cũng học được.

“Học những thứ quá đơn giản chỉ làm cho người ta coi thường người Việt Nam!” – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.

Còn trong trường hợp nếu bắt buộc phải cử người đi nước ngoài học cắt tỉa cây thì nên cân nhắc kỹ do việc này sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Theo quan điểm của ông Hùng, việc đưa người đi nước ngoài học cắt tỉa cây là không hiệu quả mà tốn kém do đặc thù khí hậu của nước ta sẽ không giống với các nước đang phát triển khác.

Nhất Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP