Xã hội

GS Nguyễn Anh Trí về hưu: Sự tri ân hiếm có

GS Nguyễn Anh Trí đã có tất cả danh hiệu của một bác sĩ thành đạt, từ giáo sư, tiến sĩ đến thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động. Và cái được lớn nhất của ông là lòng tin ở những người xung quanh.

Sau buổi chào cờ sáng thứ Hai (2-10), cả ngàn nhân viên, học trò, bệnh nhân của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương xếp thành hàng dài chờ đợi để chào tạm biệt GS-BS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Hà Nội.

Hình ảnh nhiều người từ lớn đến bé, già lẫn trẻ nức nở quệt dòng nước mắt, chờ đến lượt mình để được ôm một cái ôm, nắm lại lần nữa đôi bàn tay vị giáo sư đã đến tuổi về hưu khiến cộng đồng không khỏi dậy sóng.

Rất xúc động vì được bệnh nhân ghi nhận

Chúng tôi liên lạc được với GS Nguyễn Anh Trí khi đã hết giờ hành chính buổi chiều 3-10, sau hai ngày chính thức chia tay Viện Truyền máu-Huyết học về hưu. Những tưởng giáo sư đã bắt đầu nghỉ ngơi nhưng ông cho biết vẫn đang trên đường từ Hòa Bình về Hà Nội. “Hôm nay, tôi lên thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) là một trong bốn việc chính sau khi về hưu.” - GS Trí nói.

“Tôi vẫn còn rất xúc động, vô cùng hạnh phúc cho đến thời điểm này, có thể nó còn kéo dài hơn nữa trong những ngày tới vì với tôi, tình cảm mọi người dành cho mình là vô cùng quý giá” - GS Trí nói tiếp khi bày tỏ cảm xúc từ lúc đón nhận tình cảm của mọi người lúc chia tay Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Với GS Nguyễn Anh Trí, để tiến tới quyết định nghỉ hưu, ông đã chuẩn bị tâm lý trước đó hơn năm năm, tránh để bản thân sốc khi rời xa một công việc mà mình gắn bó hơn 30 năm nay.

Từ rất lâu chúng ta mới thấy hình ảnh một người lãnh đạo bệnh viện khi về hưu để lại sự quyến luyến, nuối tiếc với tập thể cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân như GS Nguyễn Anh Trí. (Ảnh do Viện Truyền máu-Huyết học Trung ương cung cấp)

Ông chia sẻ với chúng tôi về niềm vui mà đến mình cũng không diễn tả được, đó là sự ghi nhận vô cùng quý báu từ bạn bè, từ bệnh nhân. “Mấy chục năm công tác trong ngành, tôi được Nhà nước, được Đảng, được đồng nghiệp ghi nhận thành tích, sự cống hiến của tôi cụ thể qua nhiều bằng khen, danh hiệu. Từ anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân đến công dân thủ đô ưu tú… Tôi trân quý, cảm động vô cùng sự ghi nhận của bạn bè và đồng nghiệp. Tôi hạnh phúc vì đến lúc mình về hưu, tôi biết được rằng bạn bè đã yêu thương, quyến luyến mình như thế. Thực ra từ một tháng nay, việc bạn bè, đồng nghiệp chia tay tôi cũng khá quen thuộc, cũng có nhiều người đã khóc và muốn tôi ở lại. Chỉ là hôm qua, mọi thứ được ghi nhận lại bằng hình ảnh, cuộc chia tay được nhiều người chia sẻ, đồng nghiệp, bạn bè trên Facebook biết đến và có chút ảnh hưởng đến mọi người vậy thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại trở thành một ông già về hưu gây bão như vậy” - GS Nguyễn Anh Trí cười, nói.

Khi chúng tôi hỏi: “GS có biết vì sao mình được yêu quý như vậy không?”, GS Trí trả lời khá nhanh nhưng trọn vẹn: “Chỉ cần bản thân chúng ta sống hết mình vì người khác, chắc chắn họ sẽ hết mình lại với chúng ta”.

Nghỉ hưu nhưng vẫn luôn cống hiến

Nhắc đến việc ở lại, tiếp tục công tác theo nguyện vọng của rất nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân, GS Trí cười, khẳng định nghỉ hưu không phải là không làm việc nữa mà nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn cống hiến, thậm chí cống hiến hết mình.

“Mặc dù về hưu, chia tay mọi người là điều tôi rất buồn nhưng để mọi người níu giữ ở lại thì tôi thấy không nên. Vì mình nghỉ hưu để những thế hệ sau mình phát triển tốt hơn. Còn phần nguyện vọng của mọi người, của học trò, của bệnh nhân có lẽ tôi sẽ luôn trân trọng và biết ơn, dựa vào những nguyện vọng này mà cống hiến tiếp” - BS Trí cho biết.

GS Nguyễn Anh Trí là viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từ tháng 5-2003 đến tháng 9-2017. Hơn 30 năm công tác trong ngành y tế, GS Nguyễn Anh Trí đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu Việt Nam.

Ngoài vai trò là một giáo sư đầu ngành, ông còn là đại biểu Quốc hội. Trước đó, trong kỳ bầu cử Quốc hội 2016, ông là người tự ứng cử duy nhất trúng cử.

“Sau nghỉ hưu tôi vẫn tiếp tục cống hiến khi về làm việc tại BV Madlatec, nơi mình cùng nhiều anh em đã đóng góp khá nhiều công sức. Về hưu, tôi sẽ có thêm nhiều thời gian để làm tròn hơn vai trò của một đảng viên, một đại biểu Quốc hội, đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng mà các cử tri tin tưởng.

Về hưu tôi sẽ có nhiều thời gian vun vén, đầu tư cho việc xây dựng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Vì ở đây có tư liệu của hàng nghìn nhà khoa học lớn, các hiện vật vật thể, phi vật thể cần được lưu giữ. Quan trọng nữa là về hưu tôi còn có thời gian sáng tác thơ, nhạc, có thời gian bên cháu, bên gia đình mình. Bản thân tôi có kiến thức, có kinh nghiệm để truyền thụ cho đàn em, cho học trò. Biết đâu về hưu tôi lại cống hiến hết mình hơn nữa, biết đâu thời kỳ về hưu nhưng tôi vẫn thăng hoa nữa thì sao” - GS Trí cười vui vẻ.

Sau khi thông tin buổi chia tay hiếm có của GS- BS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, đăng tải trên Facebook, cá nhân giáo sư cũng như trên nhiều tờ báo, rất nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối và cảm phục tới BS Nguyễn Anh Trí.

BS Vũ Hiền Phương bày tỏ: “Những hình ảnh cảm động này, minh chứng rằng anh là một Viện trưởng ưu tú, một người thầy mẫu mực, một người bạn, người anh, người chú thân tình của nhân viên, một thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân của mình. Không nhiều đâu, những viện trưởng như vậy…”.

Một bác sĩ tại BV Bạch Mai nuối tiếc: "Giá như bác sĩ nào cũng sống và làm việc, yêu thương con người như anh, giá như cuộc đời này có Nguyễn Anh Trí thứ hai thì vui biết mấy. Rất nhiều bạn bè tôi thốt lên: Sao không mời người bác sĩ này tiếp tục cống hiến trên cương vị này. Còn tôi, tôi chỉ biết yêu thương, kính trọng một con người đã cống hiến cả đời mình cho khoa học, cho con người…".

Với GS Trí, hôm qua không chỉ mọi người khóc vì ông mà cả ông cũng khóc vì mọi người. Hơn 30 năm công tác trong ngành, GS Trí luôn hết lòng dạy dỗ, chỉ bảo học trò, hết lòng chăm lo cho bệnh nhân, hết lòng với anh em nhân viên. Và hơn 30 năm cống hiến hết lòng đó có lẽ mọi người vẫn cảm phục, yêu quý ông nhưng đây là cơ hội để họ tri ân. Tri ân như một lẽ thường tình với tất cả những ai sống cho đi mà không đòi hỏi nhận lại.

Tác giả: HÀ PHƯỢNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP