Trong nước

GS. Hoàng Chương: ‘Chưa đất nước nào có ‘mùa’ khai ấn như thế!’

GS. Hoàng Chương, người đã dành trọn đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống thẳng thắn cho hay, không có chuyện phát ấn và đã đến lúc phải dẹp bỏ phát ấn đền Trần như hiện nay.

Việc khai ấn/ hiện không chỉ xuất hiện ở đền Trần thuộc tỉnh Nam Định mà ở rất nhiều nơi như đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đền Trần Tam Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), ở khu văn hóa núi Bài Thơ (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), khu di tích Hoàng thành Thăng Long (TP.Hà Nội)…

Nhiều người thắp hương cầu bình an và may mắn, hạnh phúc trước giờ khai ấn đền Trần.

GS. Hoàng Chương, người đã dành trọn cuộc đời cống hiến, đam mê với nghệ thuật truyền thống cho rằng, không có chuyện phát ấn hay bán ấn, đó chỉ là “bịa” ra để thương mại hóa.

Là người từng có nhiều tiếng nói liên quan đến ấn đền Trần và cả vấn đề mê tín dị đoan, Giáo sư có thể cho độc giả cái nhìn rõ hơn về việc khai/phát/mua/bán ấn đền Trần như hiện nay?

Thật ra, từ rất xa xưa chúng ta có lễ khai ấn nhưng không có phát ấn. Tuy nhiên, điều này ngày càng lan tỏa, phóng đại ra thành phong trào với động cơ thương mại hóa mà con người đặt kỳ vọng vào ấn có thể giúp mình thăng quan, tiến chức.

Lịch sử có ghi lại hàng năm cứ đến một khung giờ nào đó chúng ta phát ấn không? Tôi có thể nói rằng, không có điều đó. Mà phát ấn là tự con người làm ra, xuất phát từ tư tưởng tham lam, đây là lối kinh doanh thần thánh, làm xấu đi hình ảnh dân tộc. Văn hóa Việt Nam cũng bị xấu đi bởi những hình ảnh tranh cướp một tờ giấy tôi cho là vô nghĩa.

Cái gì cũng phải dựa trên khoa học và lịch sử mà lịch sử không phải như thế, lịch sử trong sáng và thật lắm. Văn hóa Việt Nam cũng là văn hóa sâu lắng trong tâm linh con người chứ không có văn hóa tranh giành.

GS. Hoàng Chương (Ảnh: Nhất Nam).

Giáo sư có nhắc tới mối quan hệ giữa ấn đền Trần và việc thăng quan, tiến chức. Giáo sư có thể nói rõ hơn về mối quan hệ đó?

Lòng tham ở con người bây giờ ghê gớm lắm. Việc thăng quan tiến chức là bình thường của con người khi họ được tổ chức chọn chứ không phải đi xin ấn về để được thăng tiến. Những người có lòng tham, động cơ để lên chức bằng con đường này là những cán bộ không thực sự xứng đáng được tin cậy, không phải người có tâm, có tài.

Người cán bộ có tâm, có tài không bao giờ có tham vọng đi xin lộc để mình thăng quan, mang tiền tài về. Nhiều khi con người mê tín đến mê muội trước vấn đề phát tài, phát lộc.

Có ý kiến cho rằng nên dừng việc phát ấn đền Trần như hiện nay. Quan điểm của Giáo sư về điều này như thế nào?

Tôi đã có gần 10 năm phản bác vấn đề này. Chưa có đất nước nào có “mùa” khai ấn như thế. Thêm vào đó là hiện tượng người dân tranh giành “ấn” làm mất đi nét văn hóa, nét tâm linh người Việt.

Chúng ta từng phê phán về vấn đề này nhưng không có kết quả, tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước nên ra quyết định dẹp bỏ việc phát ấn đền Trần. Bên cạnh đó là dẹp bỏ cả những trò mê tín, dị đoan, tham lam, cầu tài cầu lộc một cách vô nghĩa.

Xin cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Huệ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP