Xã hội

Góc khuất nghề PR bar: Khi đi lộng lẫy khi về tả tơi

'Khi đi làm thì đứa nào cũng son phấn xinh tươi, quần áo đẹp lộng lẫy. Nhưng xong ca, ra khỏi bar thì mệt mỏi rã rời, người tả tơi', Cẩm Tiên, một tiếp viên ở bar, nói.

Nhiều người làm PR bar trong đó có cả sinh viên

“Tửu lượng”… ngàn chén không say

Ngày tôi vừa “vô nghề”, Khánh Ngọc, làm PR bar của quán M. tại Q.Tân Phú (TP.HCM), nói rằng để làm cái nghề này phải trang bị “tửu lượng” ngàn chén không say.

Khánh Ngọc kể: “Như tao, có đêm 'nốc' (uống) cả trăm ly rượu. Có khi vừa uống rượu xong ở bàn này, qua bàn khác, khách uống bia là mình cũng phải uống bia. Có đêm uống bao nhiêu bia rượu cũng chẳng nhớ. Nói chung là rất nhiều”.

Một ngày gần cuối tháng 9, chúng tôi tiếp tục xin việc ở bar S. trên đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM). Sau khi được nhận vào làm, Liên Hương, người làm PR bar ở đây từ ngày đầu mở quán, nhắc nhở: “Phải biết uống rượu mới 'trụ' nổi trong nghề này”.

Liên Hương cũng hướng dẫn nhiều tuyệt chiêu “uống khó say” cho những người vừa vào nghề như chúng tôi. “Nhớ 'thủ sẵn' chai nước lọc và tranh thủ đổ vào bia hoặc rượu để pha loãng. Dù khách có ép đến mấy thì cũng uống từ từ thôi, chứ uống nhanh quá thì không thể tỉnh táo được. Hoặc trước khi bước vô giờ làm, lót dạ bằng hũ sữa chua, khi uống xong, kiếm ly trà mà uống…”.

Gần 21 giờ, bar đông nghẹt. Nhóm khách 6 người ghé lại bàn tôi đứng phụ trách. Thấy khách đông, Ái Vy (23 tuổi, quê Long An) cũng lại đứng bàn. Những chai rượu ngoại đắt tiền được bày biện. Vẫn lại là những cái choàng eo, ôm chặt, những cái véo đau điếng, và cả những cái sờ soạng… từ những vị khách nhiều tiền.

Không còn cách nào khác, tôi phải uống. Mới đó chừng nửa tiếng, cũng vì chiều chuộng khách, phải uống gần ba lon bia. Giờ lại “dầm” rượu, khiến tôi lảo đảo, đến nỗi phải vịn vào bàn ghế để đi. Trong gần một tuần làm PR bar ở đây, hằng đêm chúng tôi phải uống hàng chục ly rượu. Có đêm, phải móc họng cả chục lần, để “lấy lại sức” mà tiếp tục đón khách.

Sống ở VN mà xài giờ ở Mỹ

Thời gian làm công việc PR bar ngược đồng hồ sinh học. Bắt đầu từ 19 giờ, kéo dài đến 2 - 3 giờ sáng, thậm chí hơn nếu khách chưa về. Thế nên hầu hết các đồng nghiệp đều kể: “Lúc nào người cũng đờ đẫn cả. Mình sống ở VN mà xài giờ ở Mỹ”.

“Làm nghề PR bar này thì chấp nhận thôi. Giờ tao còn tỉnh táo để nói chuyện, chứ lát nữa, tầm 1 - 2 giờ, tao “quắc cần câu” rồi. Ngày nào mà chẳng về nhà với đầy hơi men, mùi bia rượu nồng nặc, mùi thuốc lá khắp đầu”, Liên Hương nói.

2 giờ sáng 30.9, Cẩm Tiên (22 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) mở điện thoại để nhắn tin cho người em ruột ở nhà đợi cửa. Sẵn tiện Cẩm Tiên mở vội những tấm hình “selfie” (chụp ảnh tự sướng) mà cô chụp lúc chiều vừa từ nhà đến bar. Nhìn những tấm hình xinh xắn trong điện thoại, Cẩm Tiên lắc đầu ngậm ngùi: “Lúc đi thì như công chúa. Còn giờ như… con điên”.

Hút điếu thuốc với lý do “cho tỉnh” trước khi chạy xe về nhà, vừa phả khói, Cẩm Tiên vừa lẩm bẩm: “Nhiều người ví von những đứa làm PR bar như chúng mình là 'khi đi lộng lẫy khi về tả tơi' cũng đúng thật. Khi đi làm thì đứa nào cũng son phấn xinh tươi, quần áo đẹp lộng lẫy. Nhưng xong ca làm bước ra khỏi bar thì mệt mỏi rã rời, người tả tơi”.

Bị ép sử dụng chất kích thích

Trúc Diễm chửi thề: “Hôm bữa em ói “mật xanh mật vàng” như mấy chị thấy chả phải do say rượu đâu. Thằng khách nó mất dạy, gài em “chơi thuốc” đó. Em có biết đâu. Cứ lo nhún nhảy, nó bỏ vô ly rượu lúc nào chẳng hay. Nốc hết ly rượu được một lát em mới thấy thuốc thấm và chạy nôn luôn”.

Trúc Diễm bảo, một số đồng nghiệp đã nhiều lần “dính bẫy” của khách, đó là bị “cài” sử dụng chất kích thích. Nhưng đó là lần đầu tiên cô gái 21 tuổi này “sập bẫy”.

“Trong môi trường bar huyền ảo này, ánh sáng thì lúc nào cũng chập chờn, nếu không muốn nói là tối thui thì việc nhìn mặt nhau còn khó nhận diện nên chuyện dễ bị bỏ chất kích thích vào nước uống, vào bia… là điều khó tránh khỏi”, Trúc Diễm nói.

Tôi dò hỏi mới được biết, “thuốc” mà Trúc Diễm nói là những chất kích thích, gây nghiện, đủ thể loại: ke (ketamin), kẹo (thuốc lắc), tài mà (cần sa)…

“Phải cẩn thận, chứ nhiều khách chơi khăm, cố tình ép mấy đứa chơi thuốc lắm. Phải tinh ý và đừng rời ly bia, ly rượu, kẻo “ngậm đắng nuốt cay” như chơi”, bà Q.H, quản lý đội ngũ PR ở bar M. tại Q.Tân Phú, lưu ý.

Làm nghề PR bar buộc phải uống nhiều bia rượu. ẢNH: T.L - X.P

“Lỡ bị khách ép hoặc không phát hiện ra, thì phải làm thế nào?”, tôi hỏi. Bà Q.H hướng dẫn: “Phải có kỹ năng ứng biến linh hoạt. Nhiều khi khách, nhất là tụi 'dân bay' ép 'chơi thuốc' cũng phải 'ngậm bồ hòn làm ngọt'. Hãy cho thuốc vào miệng rồi giả bộ cầm khăn giấy nhả ra. Nhưng nhiều khách cao tay biết chiêu này của các nữ PR bar nên hay để ý, đến khi nhả được thuốc ra thì cũng đã tan gần hết. Những đứa mới vào nghề rơi vào trường hợp này dễ bị sốc thuốc, nôn tại chỗ, mất kiểm soát là chuyện thường. Có đứa phải nhập viện cấp cứu. Thế nên lỡ thấy trong người không ổn, có dấu hiệu lạ, thấy người như muốn ngã nhào sấp mặt thì phải nhanh trí ra dấu để nhờ anh chị em thân cận trong bar để ý mà giúp đỡ, kiếm cách 'chuồn' chứ không là 'lên đường' đấy”.

Trong một tuần làm việc ở bar M., tôi đã tận mắt chứng kiến Thu Nhị (quê Bến Tre) rơi vào tình cảnh “nửa mê nửa tỉnh”. Bất ngờ hơn khi một cô gái hiền lành, kín tiếng, bỗng nhiên cuồng bạo, thác loạn, “quẩy” hết cỡ. Về sau, nữ PR bar 28 tuổi này mới kể: “Tao ngậm thuốc lúc nào chẳng hay. Đến khi phát hiện thấy trong người lạ lạ thì chẳng biết trời trăng mây gió gì nữa. Người nó cứ bay bổng, cuồng nhiệt”.

Cũng theo Thu Nhị: “Đã từng có một đứa vì sử dụng chất kích thích quá nhiều trong những lần tiếp khách, đâm ra nghiện luôn. Tiền lương, tiền 'boa' mỗi tháng mười mấy triệu đồng cũng không đủ đáp ứng việc mua thuốc, nên phải về quê cai nghiện”. (Còn tiếp)

Hai kiểu người

Trải qua những ngày đi xin làm PR bar và trải nghiệm nghề này, chúng tôi phát hiện trong giới PR bar có hai kiểu người. Một là các cô gái, trong đó có cả nữ sinh, vì thấy mức lương cao, đi làm với mong ước kiếm được thật nhiều tiền nhằm trang trải cuộc sống. Họ như những “con nai vàng ngơ ngác”, để rồi khi trải nghiệm nghề này thật sự, mới cảm thấy sốc.

Thế nhưng vẫn có những PR bar làm nghề này chỉ để được sử dụng chất kích thích miễn phí. Hoàng Loan (25 tuổi, quê Đồng Nai) thừa nhận bản thân từng là “tín đồ của bar”. Những bar lớn nhỏ ở Đồng Nai cô đều từng bước chân đến.

Bị đuổi học, bố mẹ la mắng và không chu cấp tiền bạc, cô quyết định lên TP.HCM xin làm PR bar. “Nói thật, tôi đi làm, chỉ muốn được mấy thằng khách ăn chơi nó ép hay mời mọc, rủ rê mình chơi thuốc. Mà trong quán này không chỉ tôi đâu, nhiều đứa cũng chọn làm nghề này chỉ vì muốn được chơi thuốc miễn phí thôi”, Hoàng Loan kể.

Tác giả: Tuệ Lâm - Xuân Phương

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP