Xã hội

Góc khuất ở nơi có 1.000 cô gái lấy chồng ngoại và những phận đời dạt trôi

Lượng kiều hối của trên dưới 1.000 cô gái lấy chồng ngoại hàng năm gửi về nhiều như nước sông He mùa lụt. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng lấp lánh như bề ngoài của một tấm huy chương ấy là góc khuất ít người biết đến...

Dạt trôi những phận người

Chưa ở đâu tôi thấy nhiều biệt thự như xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Những công trình hoành tráng mọc lên san sát như bát úp. Đó là nhà của những người có con gái lấy chồng ngoại. Nhà nào có 1 cô thì to vừa, có 2 cô thì to bự, có 3 hay 4 cô thì như biệt phủ, biệt điện. Bởi thế mà câu hỏi quen thuộc của nhiều bà ở đây là: “Nhà chị có mấy đứa con lấy chồng ngoại?”.

Những ngôi nhà to đẹp ở Đại Hợp

Lượng kiều hối của trên dưới 1.000 cô gái lấy chồng ngoại hàng năm gửi về nhiều như nước sông He mùa lụt. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng lấp lánh như bề ngoài của một tấm huy chương ấy là góc khuất ít người biết đến, là sự đánh đổi hơn 1.000 năm thanh xuân và tuổi trẻ đầy khổ đau của khoảng 400-500 cô gái bị vỡ tan hôn nhân.

Cũng như nhiều làng biển khác, Đại Hợp trước đây nghèo đến nỗi cơm gạo trắng chẳng có đủ có mà ăn nên phải tìm đường vượt biên bằng những con thuyền nan mỏng manh như đám lá tre dạt trôi trên biển. Phong trào khởi phát từ làng Quần Mục vào quãng năm 1989-1990 với đích ngắm là xứ Hồng Kông phồn thịnh.

Người vượt biên trước khi chuyển vào trong các trại tị nạn phải đứng xếp hàng cho cảnh sát Hồng Kông đổ thuốc diệt trùng lên đầu, lên quần áo, lên mặt cay xè. Ai cũng trắng lốp toàn thân đầy bọt đợi 10-15 phút chừng cho hóa chất ngấm rồi bị vòi nước cỡ lớn phun xối xả vào người, từ đầu đến chân. Tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân mang từ Việt Nam sang đều bị tịch thu, thay thế bằng quần áo mới để ngăn ngừa không cho bệnh truyền nhiễm lây vào xứ Cảng Thơm.

Khi hồi hương, mỗi người được phát chẩn cho 400 USD. Vì 400 USD đó mà nhiều người sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình trên biển đi đi, về về liên tục, cấy lúa xong thì khởi hành, lúc về vẫn kịp gặt. Những người vượt biên này đã khởi môi giới, dẫn dắt cho phong trào lấy chồng ngoại ở Đại Hợp từ năm 2000.

Để đến nay, theo thống kê của xã có hơn 700 người lấy chồng ngoại (thực tế phải trên dưới cả ngàn người, chủ yếu lấy Hàn Quốc và Đài Loan - PV) trong khi đó chỉ duy nhất 1 trường hợp là anh Đỗ Văn Biển lấy được vợ người Đài Loan. Số gia đình có 1 con lấy chồng ngoại nhiều không thèm đếm, 15,3% gia đình có 2 con gái lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 3 con lấy chồng nước ngoài, và 1,4% gia đình có 4 con gái lấy chồng nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch xã thu nhập bình quân trên giấy tờ là 34 triệu đồng/người/năm nhưng nếu tính đủ cả kiều hối phải gấp rưỡi, gấp đôi: Lý do đầu tiên của việc lấy chồng ngoại là kinh tế. Mô hình chung là con gái lấy chồng ngoại rồi gửi tiền về cho bố mẹ để chạy nốt cho những người anh em còn lại ra đi, trai thì du học, xuất khẩu lao động, gái thì lấy chồng ngoại.

Một cuộc tập huấn nghề cho phụ nữ ở Đại Hợp

Gia đình nào có con gái lấy chồng ngoại bố mẹ chỉ việc ở nhà ăn chơi rồi đi tìm mua đất. Đại Hợp vừa rồi bán 3 đợt đất giãn dân tổng cộng 70 lô, rẻ cũng dăm trăm triệu, đắt gần tỉ một lô nhưng hết sạch nên xã đang tính bán tiếp 65 lô nữa. Người mua chủ yếu là có con đi lấy chồng ngoại.

Gái làng xuất ngoại ồ ạt khiến cho hàng loạt trai làng vỡ mộng tình đầu. Rồi đau khổ cũng nguôi ngoai, nhiều người sau đó cũng lấy được vợ nhưng phải tìm đến các tỉnh xa như: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn… 30% trong số đó vì khác biệt văn hóa, tiếng nói gặp trục trặc hay sớm li hôn.

Mong khá lên để không phải đi

Nhiều cuộc hôn nhân giữa tiền bạc và thân xác như bọt bể nơi đầu ngọn sóng rất khó lành nguyên. Khoảng 50% trong số đó phải chia tay, thậm chí không chỉ 1 lần mà 2-3 lần, số còn lại không biết có hạnh phúc hay phải nhẫn nhục tiếp để cho bố mẹ ở quê mua thêm đất, xây thêm nhà.

27 bạn đồng ngũ của Chủ tịch xã Thiện có 17-18 người có con lấy chồng ngoại trong đó hơn 10 đứa đã phải li dị để lấy chồng Việt hay lấy chồng ngoại tiếp: Nhiều cô lấy chồng ngoại gặp trục trặc nhưng vẫn không dám bỏ ngay mà phải nhẫn nhục chịu đựng 2-3 năm, đến khi được cấp thẻ xanh, có thể ở lâu dài mới li hôn… Trong mấy năm đó trung bình mỗi người cũng kiếm được 500-600 triệu đồng.

Làng Quần Mục có 250 hộ dân với khoảng 1000 nhân khẩu nhưng đã có khoảng trên 70 gái lấy chồng ngoại trong đó khoảng 40-50% bị tan vỡ hôn nhân. “Đã là kinh tế thì phải chấp nhận thôi. Tôi chỉ mong ước sao kinh tế của mình phát triển để các cháu không phải đi lấy chồng ngoại…”. Trưởng thôn Nguyễn Văn Tân nói với tôi trong ngôi nhà to đẹp được sửa sang bằng tiền kiều hối gửi về từ người con gái lấy chồng ngoại. Cạnh đó một ngôi nhà mới ông đang xây cho người con trai.

Trưởng thôn Quần Mục ông Nguyễn Văn Tân: “Đã lấy chồng ngoại vì kinh tế thì phải chấp nhận thôi”

Thủng thẳng ông nói tiếp: “Đàn ông nước ngoài cũng về Việt Nam theo môi giới để mình xem mặt cả rồi chứ không ai lừa ai cả. Làng biển rất khổ nên các cháu lấy để cứu gia đình mình còn bỏ nhau phần vì khác biệt văn hóa, phần bởi chồng tàn tật hay quá già nua. Lòng tham của mình mới đáng trách chứ không nên trách người ta”.

Con ông Tân lấy chồng ngoại cũng thuộc vào hạng lứa đầu của thôn, cách đây 14-15 năm, khi đó nhà còn rất nghèo. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu có cơ hội quay ngược thời gian để chọn ông bảo vẫn cho con gái lấy chồng ngoại như thường…

Những cô gái sau khi li dị ở xứ người dù có trở về với con bế, con bồng vẫn rất dễ lấy chồng Việt kể cả là trai tân. “Trai làng Quần Mục mà lấy được con gái Quần Mục đã là một ơn huệ rồi vì tình trạng trai nhiều mà gái lại rất ít. Làng tôi có 20-30 đứa phải lấy gái vùng cao đấy. Mấy năm gần đây, làng ít có gái đi lấy chồng ngoại không phải vì người ta không chuộng nữa mà bởi năm 2008, 2009, 2010 đã đi vãn hết rồi còn lứa con gái non giờ mới học lớp 10, 11 chưa đủ tuổi…”. Trưởng thôn Tân khẳng định.

Tối đó, tôi đến nhà ông Ng.V. Hoàng (đã đổi tên) khi cả gia đình đang tất bật với cái đám cưới lần hai cho cô con gái đã có một đứa con với chồng ở Đài Loan và một đứa con đang lùm lùm trong bụng với người chồng mới Việt Nam. Cô cười to khiến cho cái bụng cũng nhịp nhàng như thể muốn cười theo: “Cưới xong là bọn em sẽ cùng đi Đài Loan tiếp chứ ở quê khó sống lắm”.

Ở Hải Phòng trước kia chỉ có Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) và Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) là nhiều gái lấy chồng ngoại nhưng giờ phong trào đã lây lan ra rộng khắp mà tiêu biểu phải kể đến Phục Lễ, Phả Lễ (Thủy Nguyên), Đoàn Xá, Tú Sơn (Kiến Thụy)…

Những lò luyện cô dâu mọc lên như nấm dạy đủ thứ từ tiếng, cách sử dụng các đồ dùng hiện đại đến văn hóa xứ người. Những cô gái làng như những con chim ra ràng chưa đủ lông, đủ cánh đã bị bứng đi khỏi quê hương, theo một đàn ông xa lạ mới gặp lần đầu mà trước đó họ phải chịu nhục uốn éo thân mình đủ kiểu để chào hàng. Những cô gái làng đi rỗng thôn, rỗng xã nên khi có hoạt động văn hóa nào cần múa hát tập thể nhiều nơi phải đi sang địa phương khác để…mượn.

Chị Phạm Thị Trâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp kể năm mình 19 tuổi, đang quấy cám lợn ở nhà cũng có bà mối dẫn một người Đài Loan béo già đáng tuổi cha chú về xem mặt khiến bố cô chửi mắng te tua. Không may mắn như Trâm, rất đông bạn bè cô năm 2001 đã đi lấy chồng ngoại trong đó có người bị đánh đập, nhốt chặt trong nhà đến mức phải bỏ trốn ra ngoài, xin tiền mà về nước. Ở quê một thời gian người đó lại tìm đường sang lấy chồng ngoại tiếp.

Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP