Điểm hẹn là một nơi ở ngoại ô Sài Gòn. Buổi chiều tạnh ráo, gió hiu hiu, mát mẻ. Chúng tôi gặp nhau tay bắt, mặt mừng, rồi cùng vào một quán nhỏ nhưng khá ấm cúng. Một bộ bàn ghế xinh kê dưới giàn hoa leo khiến không gian thêm phần lãng mạn. Những ánh mắt trìu mến, những lời hỏi thăm chân tình không ngớt.
Nhạc sỹ Ngọc Thịnh |
Rồi cây đàn ghi-ta thùng được mang đến. Cung đàn, tiếng hát, lời ca cứ thế cất lên, ngân nga, lúc bay bổng, lúc lắng sâu, da diết: “… quê mình giữa niềm thương… dầu dãi nắng mưa… mà cung trầm cung bổng cứ đằm thắm à ơi…”. Những bài ca mang âm hưởng điệu hò ví giặm quê nhà nghe sao ngọt ngào đến thế. Để cho ta đi vào nỗi nhớ: “… nhớ con đường xưa và nhớ mái tóc dài…”. Nỗi nhớ khiến cho ta cứ mãi đi tìm: “… tìm câu hát, một khúc dân ca, muối mặn, gừng cay…”.
Tôi đệm ghi-ta cho ca sỹ Thái Bảo (“bà xã” của Ngọc Thịnh) song ca với anh Bình (bạn “nối khố” của nhạc sỹ) bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Trong đêm thanh, tiếng hát như được chắp cánh bay xa hơn. Nghe tiếng hát miền Trung, nhiều người đi đường nán lại thưởng thức. Một người bước vào hỏi thăm: “Các anh có phải người Hà Tịnh không?” – “Đúng rồi!” – “Còn anh ở mô?” – “Em cũng người Hà Tịnh”. Nghe hát, em thấy nhớ quê quá, không cản được bước chân nên đánh liều vào. Tôi kéo ghế mời ngồi, rót chúc anh một ly bia bọt trào dâng như tình quê hương lai láng. Tất cả cùng nâng ly. Tiếng cụng ly canh cách, tiếng cười rộn rã, những lời giới thiệu, thăm hỏi ân cần… Hóa ra, anh bạn mới có quan hệ ở quê khá gần với Ngọc Thịnh. Điều đó càng tăng thêm phần thú vị cho tình đồng hương Hà Tĩnh ở phương Nam. “… đất quê mình còn nghèo lắm người ơi. Sao điệu ví cứ nặng tình đến thế…”. Câu hát làm mọi người như xích lại gần nhau hơn, sâu lắng, đồng cảm hơn.
Chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện, quên cả thời gian về quê hương Hà Tĩnh nặng nghĩa, nặng tình. Tạm biệt nhau khi đêm Sài Gòn về khuya đã vắng người nhưng vẫn bùi ngùi luyến tiếc. Ngọc Thịnh tặng chúng tôi mỗi người một đĩa CD những ca khúc anh sáng tác. Chúng tôi muốn lưu giữ mãi âm hưởng dân ca bởi “câu hò quê mình mộc mạc mà thương”! Bởi “một điệu ví thương nối khoảng trời xa cách” làm “nao nao lòng đứa con ở nơi xa”. Để rồi “quê hương nghĩa nặng tình sâu nhớ về”…
TP Hồ Chí Minh, tháng 6/2014
Xuân Hùng/baohatinh.vn