Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) ngày 12/4 công bố có một con rùa Hoàn Kiếm, loài quý hiếm nhất thế giới, sống ở hồ Xuân Khanh, cách hồ Đồng Mô (Sơn Tây) khoảng 10 km. Phát hiện này có được nhờ ứng dụng kỹ thuật gene môi trường (eDNA), tức lấy mẫu nước trong hồ để đối chiếu.
Chuyên gia động vật Vũ Ngọc Thành cho rằng công bố chấn động trên có ý nghĩa lớn với giới bảo tồn. Bởi đây là con thứ hai hoang dã xuất hiện ở Việt Nam, cùng với rùa Đồng Mô (Sơn Tây).
"Nhiều động vật quý hiếm được cảnh báo là sắp tuyệt chủng như gấu trúc còn đến hơn 2.500 con, tê giác một sừng trên 200 con, nhưng rùa Hoàn Kiếm thì chỉ 4 con trên thế giới, trong đó Việt Nam có hai", ông Thành nhấn mạnh.
Rùa hồ Gươm mới phát hiện ở hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP. |
Do cặp rùa được nuôi tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) không còn khả năng sinh sản, nên theo ông Thành phát hiện trên mở ra hy vọng ghép đôi hai cá thể hoang dã trong môi trường có kiểm soát để phục vụ mục đích bảo tồn.
Nhiều nhà khoa học khác cũng đồng tình nên nghiên cứu về rùa ở hồ Xuân Khanh, hướng tới ghép đôi với rùa Đồng Mô nếu điều kiện cho phép, giúp loài thoát nguy cơ tuyệt chủng.
Để làm được điều này, theo tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, giới chức và tổ chức khoa học cần bảo vệ khẩn cấp nơi rùa sinh sống; xác định số lượng rùa trong hồ, kiểm tra giới tính và tuổi thọ. Năm 2008, Trung Quốc từng ghép đôi sinh sản cho rùa nhưng bất thành do rùa đực quá già.
Ông Hoàng Văn Hà (ATP) cho biết, phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh còn cho thấy dọc các sông hồ, đất ngập nước miền Bắc có thể còn nhiều rùa sinh sống. Thời gian tới, ATP sẽ tiếp tục khảo sát bằng kỹ thuật gene môi trường.
Đại diện ATP (áo xanh) và nhóm ngư dân thấy dấu hiệu của rùa Hoàn Kiếm trong khu vực quây lưới nhưng rùa không nổi lên. |
Rùa Hoàn Kiếm trước nguy cơ bị bắt
Từ ngày 11/4, chủ hồ Xuân Khanh đã thuê người quây lưới đánh cá trên diện rộng. Phương thức này khiến rùa gặp rủi ro bị mắc vào lưới và bị bắt. ATP bày tỏ mong muốn chủ hồ và cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo vệ rùa. Trường hợp bị bắt, rùa có thể được đưa đến khu bán hoang dã an toàn hơn trên hòn đảo ở hồ Đồng Mô - khu vực tiềm năng và có thể phát triển thành sinh cảnh bán hoang dã của rùa Hoàn Kiếm.
Nếu rùa vẫn ở trong hồ, ATP đưa ra hai giải pháp để bảo tồn. Thứ nhất, trong khi chờ quyết định từ cơ quan chức năng và nhà khoa học, rùa Hoàn Kiếm cần được bảo vệ tại chỗ giống như từng làm ở hồ Đồng Mô. Thứ hai, ATP sẽ đánh giá các yếu tố đe dọa đến sinh cảnh sống của hồ và rùa, như xét nghiệm chất lượng nước, giới tính. Nếu cùng giới tính, tổ chức sẽ tiếp tục tìm kiếm các con khác.
Trao đổi VnExpress, ông Lê Trung Tuấn - chủ hồ cho biết, mục đích thầu hồ là phát triển thương hiệu cá sạch, nhưng luôn coi rùa Hồ Gươm là di sản quý giá của Việt Nam. Vui vì biết rùa quý hiếm nhất thế giới xuất hiện ở hồ Xuân Khanh, ông Tuấn cũng lo lắng loài này sẽ bị tổn hại do ô nhiễm từ bãi rác gần đó xả thải.
Nếu rùa mắc lưới, ông Tuấn cho rằng cần sự vào cuộc của nhà bảo tồn và quản lý. Trường hợp đưa rùa về Đồng Mô, theo ông Tuấn là không nên bởi ở đây ô nhiễm. "Chúng tôi sẽ cố gắng và có trách nhiệm bảo vệ rùa", ông Tuấn nói.
Câu chuyện nhân bản rùa từng được giới khoa học đưa ra, nhất là khi rùa Hồ Gươm chết vào tháng 1/2016, nhưng vấp phải ý kiến trái chiều từ phía các nhà khoa học. Trong khi tổ chức quốc tế đề xuất với Hà Nội nên lưu trữ và bảo quản mô sớm nhất để nhân bản rùa trong tương lai, thì nhiều nhà khoa học lo ngại biện pháp này chi phí lớn và còn mới mẻ ở Việt Nam. Một số khác cho rằng nhân bản vô tính khiến con vật sinh ra mất khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm bệnh.
Tác giả: Phạm Hương
Nguồn tin: Báo VnExpress