Thường thì, chiều 30 Tết, khi cha tôi gói bánh chưng thì mẹ cũng chuẩn bị các công đoạn để làm món này. Khác sự mềm mịn của giò lụa, giò xào lại giòn, hương vị lạ hơn, màu sắc cũng bắt mắt hơn.
Nguyên liệu của món giò xào rất dễ mua ở chợ gồm tai, lưỡi lợn, thịt bắp giò,mộc nhĩ, nấm hương và một số gia vị như hành tăm, tiêu, nước mắm, lá chuối và lạt giang. Cách làm món này cũng khá đơn giản. Sau khi làm sạch, thái tai lợn thành những sợi dài, dày khoảng ½ cm, thịt bắp đùi và lưỡi thái thành những miếng hình chữ nhật có độ dày vừa phải, nấm hương, mộc nhĩ làm sạch thái vừa. Để thành phẩm cuối cùng thơm ngon thì phải ướp thịt với các gia vị trước khi xào khoảng 30 phút. Bước tiếp theo là xào thịt, ban đầu cho lửa to xào thịt khoảng 10 phút cho các miếng thịt chín đều rồi cho nhỏ lửa và bắt đầu nếm để điều chỉnh gia vị. Khi nhựa ở da lợn chảy ra vừa đủ để tạo độ kết dính giữa các miếng thịt thì tiếp tục cho nấm hương, mộc nhỉ và hạt tiêu vỡ vào xào đều đến khi mộc nhĩ chín mềm thì tắt lửa.
Ngày nay, có rất nhiều vật dụng có thể làm khuôn giò rất tiện lợi nhưng ở quê tôi, người ta vẫn chế biến theo cách truyền thống là gói bằng lá chuối để tạo hương vị đặc trưng cho từng miếng giò. Lá chuối chọn loại to bản, rửa sạch, cắt miếng dài khoảng 20cm đem hơ trên lửa cho mềm. Lạt giang chẻ mỏng. Sau đó xếp các lớp lá nối tiếp lên nhau trên một mặt phẳng và bắt đầu cho thịt đã xào vào để gói (yêu cầu thịt khi gói vẫn còn nóng) Để miếng giò khi cắt ra trông đẹp mắt với sự trộn lẫn giữa màu đen của nấm, màu trắng của thịt tai, màu nâu của lưỡi và thịt bắp thì người làm giò phải đặc biệt chú ý phân bố đều các loại thực phẩm chín này trên lớp lá chuối. Công đoạn cuốn và gói giò đặc biệt cần đến sự khéo léo sao cho chiếc giò phải thật tròn, không bị méo và không bị đầu to đầu nhỏ. Giò sau khi đã được gói chặt thường được treo lên khoảng 30 phút cho ráo nước và nguội thì cho vào tủ lạnh dùng dần. Gặp thời tiết lạnh thì không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh.
Một cách làm khác đơn giản hơn, không cần đến công đoạn gói giò mà vẫn giữ được mùi thơm của lá chuối là trước khi cho giò vào khuôn, người ta lót trước một lớp lá chuối. Tuy nhiên với tôi, gói giò theo cách truyền thống vẫn gợi về nhiều không khí của ngày Tết cổ truyền hơn.
Miếng giò thành phẩm có sự hòa quyện giữa mùi hương đồng nội với lá chuối, hành tăm, tiêu và thịt xào thơm phức. Món này có thể ăn với cơm hoặc bánh chưng, cũng có thể dùng làm đồ nhắm rượu trong ngày Tết.
A.H
Báo Hà Tĩnh