Hà Tĩnh ngày nay

Giao thông nông thôn phát triển nhờ huy động được sức dân

Hà Tĩnh là một tỉnh Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông. Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng lại nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, bão lũ thường xuyên xảy ra. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, từ năm 1996, Hà Tĩnh đã dẫn đầu về phong trào toàn dân làm đường giao thông nông thôn (GTNT).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm thực hiện, chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đã có những thay đổi đáng kể. Tốc độ tăng trưởng năm 2008 của Hà Tĩnh đạt 3,6%, cao hơn nhiều so với bình quân 5 năm 2001- 2005.


Riêng 6 tháng đầu năm 2009, đạt 3,1%, thu nhập bình quân đầu người từ 5,4 triệu tăng lên 8,8 triệu đồng/người. 5 năm gần đây Hà Tĩnh đã bê tông hóa được 1.800 km đường, đưa tổng số đường GTNT được bê tông hóa toàn tỉnh lên 3.924 km chiếm 52,9%. Tổng kinh phí làm đường GTVT đạt gần 1000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tới 64%; ngân sách chiếm 36%.


Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Nguyễn Trân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Từ năm 1990 trở về trước, hệ thống đường GTNT ở Hà Tĩnh gần như chưa phát triển cả về số và lượng, chỉ bằng 30-40% như hiện nay. Sau năm 1990, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTNT, xây dựng được cơ chế quản lý thống nhất, chủ động trong công tác phát triển GTNT.


Ngoài lực lượng quản lý nhà nước, đã phân rõ được các hạt quản lý giao thông tới cấp huyện, xã. Chính vì vậy 10 năm gần đây, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp được hơn 1.354 tỷ đồng cho công tác làm đường GTNT, trong khi kinh phí nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm 8,4%. Bình quân mỗi năm nhân dân Hà Tĩnh đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho công tác GTNT.


GTNT phát triển, bộ mặt nông thôn mới thay đổi cơ bản, đời sống của nhân dân có bước phát triển đáng kể, kinh tế, xã hội của các xã, các huyện ngày càng phát triển. Từ thành công của Hà Tĩnh, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau: Đó là vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội; Không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác GTNT; Tranh thủ các dự án ODA thông qua các quỹ WB, ADB, DFID, JBIC…; Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời công tác duy tu sửa chữa thường xuyên. Chính vì vậy, trong những năm gần đây phong trào làm đường GTNT được triển khai rộng khắp địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.


Với phương châm: “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm”, Hà Tĩnh đã tập trung “sức người, sức của” và trí tuệ của toàn dân trong phong trào khôi phục, nâng cấp, xây dựng nhiều công trình GTNT, nhất là các công trình giao thông ở các huyện miền núi, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nhân dân. Hàng năm, nhiều huyện của Hà Tĩnh đều được nhận cờ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về công tác làm đường GTNT.


Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cơ bản hệ thống đường GTNT để ô tô đi đến trung tâm các xã hoặc cụm xã. Trong đó các trục dọc và trục ngang chính đạt tiêu chuẩn từ cấp IV cấp III, 2 làn xe trở lên, mặt trải nhựa hoặc bê tông 80- 100%. Hệ thống đường tỉnh, huyện lộ đạt tiêu chuẩn chung cấp IV; một số tuyến quan trọng đạt tiêu chuẩn cấp II, III; mặt đường trải nhựa hoặc bê tông 80-100% trải nhựa.


Đường đô thị và đường khu công nghiệp, khu kinh tế tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp cấp đô thị và nhu cầu phát triển của khu kinh tế, khu công nghiệp… Riêng đường trục xã, liên xã đạt tiêu chuẩn cấp V, cấp VI, tải trọng tương ứng H13-XB60; đường liên thôn, liên xóm đạt tiêu chuẩn loại A; mặt đường trải nhựa hoặc bê tông đạt 80% trở lên.

Một số dự án lớn trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang thi công: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng áng nối QL1A tại đèo Ngang (đoạn Mỏ sắt Thạch Khê – Vũng áng); Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 1A – Mỏ sắt Thạch Khê; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ngang tránh ngập lũ thành phố Hà Tĩnh – Kẻ Gỗ – Hương Khê nối đường Hồ Chí Minh; Dự án khắc phục giảm nhẹ thiên tai, cải tạo nâng cấp đường Quốc lộ 15A đoạn Khe Giao – Phúc Đồng và đoạn nối Quốc lộ 1A thành phố Hà Tĩnh (tỉnh lộ 3); Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 2…


Bài, ảnh: Hồ Thu Thủy

GTVT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP