Khi được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mời phát biểu, một giảng viên đã nêu:
“Tháng 11/2016, đoàn kiểm toán nhà nước làm việc tại trường và đã phát hiện trường và phát hiện nhà thất thoát tài sản nhà nước, lạm thu mười mấy tỉ. Kiểm toán đề nghị kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng và hiệu phó nhưng đến bây giờ vẫn chưa kiểm điểm. Trong khi đó, trường lại đang có kế hoạch nhân sự, chúng tôi làm sao biết người đó tốt xấu thế nào để chuẩn bị nhân sự để lãnh đạo trường. Thứ hai, hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ một trường đại học đã cùng Phó bí thư đảng uỷ đem 20.000m2 đất của người dân đem bán không có chủ quyền.Lãnh đạo một trường sư phạm có dạy sinh viên được không?”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Trả lời ý kiến của giảng viên này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ ghi nhận tâm huyết của giảng viên.
Ông Nhạ nhấn mạnh, “Dân chủ trong trường học là hết sức cần thiết, nhưng dân chủ phải hướng tới xây dựng. Nếu dân chủ thể hiện bức xúc, thông tin chưa đầy đủ làm tổn thương đến môi trường chung là không nên. Ai có khuyết điểm tới đâu phải có minh chứng rõ ràng để xử lý tới đó. Trong quá trình xây dựng, đi lên phải có cách thức giải quyết vấn đề đề thấu đáo nhưng phải đạt được mục tiêu xây dựng nhà trường. Tôi đề nghị các thầy cô vì cái chung mà có cách góp ý phù hợp”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Tài chính kiểm toán hoàn toàn không có kết luận như vậy. Còn vấn đề đất của công đoàn trường thì một số giảng viên hùn tiền mua đất làm dự án xây nhà. Họ có sổ đỏ và bán hợp pháp chứ tôi không bán đất chưa có chủ quyền”.
“Một trường đại học không chỉ có màu hồng và sẽ có những khoảng tối. Trong quá trình phát triển sẽ có những vi phạm, nhưng cần chấp nhận thách thức. Trong quá trình phát triển sẽ có nhiều khó khăn, nhưng cần chấp nhận thách thức” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thêm trước khi kết thúc buổi làm việc.
Lê Huyền / Theo VietNamNet