Theo quy định của Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu (có hiệu lực từ 15/6/2015), các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát), cũng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương.
Tuy nhiên, khi xảy ra thảm họa hải sản chết hàng loạt ở miền Trung (tháng 4/2016), lật lại vấn đề quan trắc thì thấy, Sở TN&MT Hà Tĩnh chưa đấu nối với hệ thống quan trắc tự động của Cty Formosa. Vì vậy, các số liệu quan trắc tự động phải dựa vào nguồn do chính Formosa cung cấp.
Theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bùn thải, chất thải rắn của dự án Formosa gồm rất nhiều loại. Tính chất của mỗi loại là khác nhau. Vì vậy, việc lấy bốn mẫu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh rồi kết luận chất thải rắn của Formosa là chất thải thông thường là chưa đủ cơ sở.
Ngoài ra, Nghị định 38 cũng quy định, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý nước thải (trách nhiệm này được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh) là phải quan trắc, kiểm soát chất lượng nước tại các nguồn tiếp nhận trên địa bàn tỉnh, phải tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải, quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận nội tỉnh. Trong trường hợp liên tỉnh, phải phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương liên quan tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận.
Trường hợp Formosa, khi xảy ra sự cố, trả lời phóng viên Tiền Phong về việc có lấy mẫu để phân tích, giám sát nước thải của Formosa? Ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết, việc phân tích mẫu được triển khai định kỳ nhưng không phát hiện bất thường, tức là các thông số như xyanua, phenol, sắt vẫn trong giới hạn cho phép.
Trong khi đó thực tế, kết quả tìm nguyên nhân cá chết của các nhà khoa học lại cho thấy, một lượng lớn phenol, xyanua và sắt từ Formosa đã thải ra môi trường gây sự cố hải sản chết hàng loạt ở miền Trung. Một chuyên gia môi trường nhận định, liệu do năng lực phân tích của các cơ quan cấp tỉnh quá yếu hay có sự dung túng của cơ quan chức năng ở đây?
Cũng theo vị chuyên gia này, Sở TN&MT Hà Tĩnh không thể nói Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM thì Bộ TN&MT phải có trách nhiệm giám sát. Bởi việc giám sát một dự án không chỉ dựa vào mỗi ĐTM mà còn dựa vào các quy định pháp luật khác. Để xảy ra một sự cố tày đình như thế này thì Sở TN&MT Hà Tĩnh không thể nói không có trách nhiệm trong vấn đề giám sát xả thải khi xảy ra sự cố.
Chưa đủ cơ sở đã cấp “bảo bối” cho Formosa?
Khi xảy ra sự cố đổ bùn thải của Formosa ở nhiều nơi, phía Cty Formosa cho biết đây là bùn thải công nghiệp thông thường dựa trên “bảo bối” là kết quả phân tích bùn thải của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Theo kết quả phân tích này, bốn mẫu chất thải của Formosa là chất thải thông thường. Tuy nhiên, kết quả phân tích bùn thải của Formosa do Bộ TM&MT phân tích khi xảy ra sự cố thì đây là bùn thải nguy hại.
Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị phân tích mẫu cho biết, ngày 14/12/2015, đơn vị này nhận được yêu cầu phân tích 4 mẫu chất thải từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh, ký hiệu từ R15-R18, bao gồm 2 mẫu là bùn và 2 mẫu là chất thải rắn.
“Khách hàng yêu cầu chúng tôi phân tích 14 chỉ tiêu theo QCVN50:2013 – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại với bùn thải từ quá trình xử lý nước (đối với 2 mẫu bùn) và QCVN07:2009 – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (đối với 2 mẫu chất thải rắn)”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cũng cho biết, INEST chỉ thực hiện phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của khách hàng mà ở đây là Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh chứ không trực tiếp tham gia lấy mẫu. Vì vậy, trong tờ kết quả phân tích của Viện nêu rõ: Kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến và các thông tin về mẫu do khách hàng cung cấp tự chịu trách nhiệm.
Ông Dũng cho rằng, không thể dựa vào kết quả phân tích này để khẳng định những chất thải rắn từ Formosa bị phát hiện chôn lấp dưới đất vừa bị phát hiện là chất thải nguy hại hay không. Bởi lẽ, kết quả phân tích nói trên chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến.
Bên cạnh đó, việc đánh giá đặc tính của chất thải cần phải làm rất bài bản như số mẫu đủ nhiều cả về vị trí không gian và tại nhiều thời điểm, quy trình lấy mẫu và phân tích đúng, đồng thời cũng cần phải căn cứ vào quá trình hoạt động của nhà máy cũng như nhiều yếu tố khác mới đảm bảo tính chính xác được.
Với những nhà máy chỉ mới đang ở giai đoạn vận hành thử như Formosa thì cần phải căn cứ trên báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty cũng như các kết quả đánh giá vận hành thực tế như đã nêu ở trên – ông Dũng cho hay.
Nguyễn Hoài – Đức Duy