Liệu có khách quan?
Dư luận cho rằng Tiến sỹ Dũng đang “kéo lùi” giáo dục đất học Hà Tĩnh? |
Trong lịch sử giáo dục cả nước nói chung cũng như Hà Tĩnh nói riêng, chưa có chương trình giáo dục nào đưa vào áp dụng trong thực tiễn bị phản đối dữ dội và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như VNEN.
Đến nay, đã có 4 trường THCS ở Hà Tĩnh dừng hẳn chương trình VNEN trước áp lực của đông đảo phụ huynh. Lý do chủ yếu được đưa ra là “con càng học càng kém”. Hầu hết học sinh được hỏi cũng không đồng tình với chương trình VNEN, và tỏ ra rất vui mừng vì “thoát” VNEN. Các trường khác đang thực hiện VNEN do đã làm dở dang, đông đảo phụ huynh, và cả cán bộ quản lý, giáo viên đều không đồng tình.
Bài viết mới đây trên báo Hà Tĩnh, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy, chính giáo viên cũng rất vui khi được “giải phóng” khỏi VNEN, vì quá nhiều bất cập. Đây là ý kiến tương đối hiếm hoi xuất hiện trên báo chính thống; sau nhiều động thái ngăn cản của không ít cán bộ quản lý giáo dục. Có trường hợp, GV chỉ cần nhấn nút “like” hoặc có bình luận bày tỏ thái độ đồng tình với các bài phản biện VNEN, ngay lập tức đã bị lãnh đạo “chiếu tướng”.
Trước bức xúc của phụ huynh, hiện nay hầu hết các trường đang dạy sách VNEN đã quay bàn lại như mô hình truyền thống; sử dụng bục giảng, bảng đen, GV giảng bài nhiều hơn…
Đây là một cách làm “chẳng giống ai”, không đúng với đặc thù mô hình VNEN, “dở dơi dở chuột” và có thể càng làm sụt giảm chất lượng giáo dục.
Trong lịch sử giáo dục Hà Tĩnh, người viết bài này chưa thấy một chương trình giáo dục nào khi tổ chức triển khai đại trà bị Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ vì trái thẩm quyền; yêu cầu cán bộ Sở GD kiểm điểm.
Chưa nói đến những thiệt hại không nhỏ về cơ sở vật chất, kinh phí như nhà trường đã thuê đập bục giảng, trang trí lớp, mua tài liệu học tập…rồi đành bỏ dở dang, lâm cảnh nợ nần; việc áp dụng vội vã mô hình VNEN theo chỉ đạo của Sở GD – ĐT đã làm nhiều trường lúng túng. Đặc biệt là hàng nghìn học sinh bị đem ra làm thí nghiệm; mà kết quả như rất nhiều phụ huynh đã phản ánh, là “càng học càng kém”.
Hậu quả đó, Sở GD – ĐT Hà Tĩnh,với người đứng đầu là Giám đốc Trần Trung Dũng phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, điều trớ trêu là, trong quyết định thành lập Hội đồng đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường mới (VNEN), chính ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD – ĐT lại được phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực.
Chính ông Dũng phải chịu trách nhiệm về việc đã gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy từ việc chỉ đạo triển khai đại trà VNEN trái thẩm quyền; nay ông lại là thành viên chủ chốt để đánh giá kết quả việc làm ấy. Vậy, kết quả của Hội đồng ấy liệu có khách quan; khi mà người chịu trách nhiệm đã gây ra hậu quả bây giờ lại đi điều tra về hậu quả? Và các cán bộ quản lý, giáo viên, khi thấy Giám đốc Sở về điều tra về VNEN, có mấy ai dám nói sự thật cho Hội đồng?
Văn hóa từ chức”?
Nghiên cứu thì thành công như vậy, nhưng ông đã ứng dụng đề tài “phát triển năng lực học sinh” như thế nào, trong lĩnh vực mà ông hoạt động, quản lý?Vừa qua, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ quản lý giáo dục (ông Dũng vốn là GV Toán), đề tài: “ Quản lý hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.
Theo TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Đại học FPT, trong bảng thứ hạng điểm trung bình thi THPT quốc gia 2016 của 63 tỉnh, thành trên cả nước, Hà Tĩnh xếp thứ 42, với số điểm trung bình là 4,5; trong đó có môn ngoại ngữ đứng vị trí áp chót (62/63) với điểm trung bình 2,61 điểm (chỉ đứng trước tỉnh Lạng Sơn).
Con số đó đã nói lên, ngài Giám đốc Sở chỉ có viết luận văn được Hội đồng cho điểm cao, nhưng trong việc thực hành của Ngài trên cương vị Giám đốc Sở GD –ĐT, thì kết quả “bét bảng”.
Không chịu nhìn vào thực tế để điều chỉnh, ông Trần Trung Dũng còn biện hộ là “do 100% học sinh THPT dự thi bắt buộc môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp chứ không phải có thể thi môn thay thế như một số địa phương khác. Bên cạnh đó, số học sinh lựa chọn khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ có môn ngoại ngữ rất ít, phần đông còn lại chủ yếu làm bài đủ để tốt nghiệp nên tác động đến điểm bình quân chung cũng như điểm bình quân của môn ngoại ngữ” (Báo Hà Tĩnh ngày 8.9.2016).
Ông Giám đốc Sở cho rằng, sở dĩ điểm thi Ngoại ngữ của Hà Tĩnh bét bảng, vì do học sinh chỉ làm bài đủ để thi tốt nghiệp. Hình như ngài Giám đốc đã quên, 63 tỉnh thành khác cũng đều như vậy, sao vẫn có 61 tỉnh thành điểm thi cao hơn Hà Tĩnh?
Ngài Giám đốc còn tỏ ra “lơ tơ mơ” đến mức, cho rằng không cần tài liệu VNEN, không tổ chức ngồi theo nhóm…vẫn có thể dạy được VNEN.
Ngài còn thiếu trung thực, khi cơ quan do ngài đứng đầu, đã chỉ đạo triển khai VNEN ồ ạt, gây hậu quả, hệ lụy cho cơ sở. Nhưng trả lời báo chí, ngài lại đổ lỗi cho “cơ sở nóng vội”.
Bìa sách VNEN đã ghi rõ “sách thử nghiệm” |
Bìa sách VNEN đã ghi rõ “sách thử nghiệm”; chương trình VNEN là chương trình thí điểm, nhưng Sở GD – ĐT Hà Tĩnh do ông Dũng làm Giám đốc, đã ra văn bản yêu cầu tất cả các trường tiểu học và THCS thực hiện. Trong khi đó, chưa có sự đánh giá, tổng kết; chưa báo cáo UBND tỉnh.
Tháng 4.2015, ông Trần Trung Dũng chủ trì một cuộc bảo vệ đề án cán bộ quản lý tại trường THPT Hà Huy Tập. Một GV Thể dục không trả lời được câu hỏi : “Giáo dục thể chất là gì”? trước toàn bộ Hội đồng. Nhưng rồi đề án vẫn được “ok” và GV đó vẫn được bổ nhiệm Hiệu phó.
Nhân dịp Quốc khánh, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đã phát biểu thẳng thắn và tâm huyết: “Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi” (Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai; Tuổi trẻ ngày 1/9/2016).
Xét về hiệu quả công việc, cũng như về phương diện tính trung thực, tinh thần chịu trách nhiệm, phê bình và tự phê bình; khó có thể nói ông Trần Trung Dũng xứng đáng với cương vị Giám đốc Sở GD – ĐT của một vùng đất hiếu học như Hà Tĩnh.
Đã đến lúc, ngài Tiến sỹ cần tự giác, gương mẫu thực hiện “văn hóa từ chức”, để “trao lại mái chèo” cho người xứng đáng?
NGUYỄN KIÊN CƯỜNG