Giải trí

Giải thưởng Cánh diều bao giờ mới xứng là Oscar của làng phim Việt?

Là giải thưởng được tổ chức thường niên, thế nhưng Lễ trao giải Cánh diều năm nào cũng gặp sự cố và năm nay cũng không ngoại lệ.

Lễ trao giải Cánh diều 2016 tràn ngập “sạn” khiến nhiều người hâm mộ đặt ra câu hỏi, phải mất bao nhiêu năm nữa Cánh diều mới xứng đáng là “Oscar” của làng phim Việt?

Tối ngày 9/4, Lễ trao giải Cánh diều 2016 đã được diễn ra tại nhà hát Quân đội, TP.HCM. Giải Cánh diều năm nay có sự góp mặt của 19 phim truyện điện ảnh; 21 phim truyện truyền hình; 13 phim hoạt hình; 57 phim tài liệu, khoa học; 16 phim ngắn và 5 công trình nghiên cứu lý luận phê bình.

Bên cạnh các hạng mục chính Cánh diều vàng, Cánh diều bạc… ban tổ chức còn dành tặng bằng khen cho một số bộ phim nhận được sự quan tâm của khán giả như: Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Sút (đạo diễn Việt Max) và Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn)…

Lễ trao giải Cánh diều 2016 vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, sau lễ trao giải, nhiều khán giả tỏ ra thất vọng bởi chương trình còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, dẫn đến “sạn lớn, sạn nhỏ” tràn ngập, không làm bật được tầm quan trọng của một lễ trao giải mang tầm cỡ quốc gia.

Đầu tiên phải nhắc đến việc thiếu cúp để trao, ở hạng mục Nữ diễn viên chính phim truyền hình xuất sắc nhất, Lã Thanh Huyền và NSƯT Minh Trang đều được xướng tên là người thắng giải, thế nhưng chỉ có Lã Thanh Huyền được trao vì chiếc cúp thứ 2 ban tổ chức… chưa chuẩn bị kịp. Trong tình huống xưa nay chưa có này, NSƯT Minh Trang đứng… cười trừ và tay không rời sân khấu. MC Nguyên Khang đành chữa cháy bằng cách “an ủi” Minh Trang rằng sẽ có một cánh diều đặc biệt được gửi đến nhà nữ nghệ sĩ sau.

MC Nguyên Khang cũng có những chia sẻ của mình sau lễ trao giải Cánh diều.

Tiếp đến, khi người dẫn chương trình công bố giải Cánh diều vàng dành cho hạng mục Phim hoạt hình, thì bất ngờ toàn bộ hệ thống điện ở cả sân khấu, hội trường đều tạm ngừng hoạt động. Sự cố mất điện đã khiến chương trình trực tiếp bị gián đoạn trong khoảng 10 phút. Cũng vì sự cố mất điện mà kịch bản của chương trình phải thay đổi do giờ lên sóng bị thiếu. Và cũng từ chỗ thiếu mà kịch bản trở nên chắp vá và MC cũng vì thế mà mắc những lỗi ngớ ngẩn.

Những sự cố liên tiếp này khiến buổi lễ mang tầm quốc gia giống như bát cơm nhiều sạn làm công chúng vừa “ăn” vừa lắc đầu ngán ngẩm. Còn nhớ tại Lễ trao giải Cánh diều 2015, khâu tổ chức gặp vấn đề từ MC cho đến việc khách mời không đủ chỗ ngồi. Những yếu kém đó của ban tổ chức đã khiến dư luận dậy sóng. Vẫn tưởng, sau những thiếu sót, ban tổ chức Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ rút kinh nghiệm, nhưng có vẻ như đâu vẫn hoàn đó.

Là MC của chương trình, cũng đã ở tâm bão dư luận với những sự cố tại Lễ trao

giải Cánh diều, MC Nguyên Khang giải thích: ““Trước hết, Nguyên Khang thực sự rất xin lỗi về những sự cố, những sai sót đáng tiếc từ phía Nguyên Khang trên sân khấu của giải thưởng điện ảnh Cánh diều 2016. Bất luận với lý do gì, Nguyên Khang cũng biết, đây là lỗi của mình và rất mong công chúng hết sức thông cảm.

Buổi chiều, Khang và chị Hồng Ánh đã tới rất sớm để ráp chương trình, vậy mà đến thời điểm đó, chúng tôi cũng chỉ có kịch bản khung để tập, không có video clip đề cử, không có tập dượt phát biểu trao giải… như các chương trình khác. 17h chiều, ban tổ chức có nói với tôi, 2 MC sẽ có kịch bản chi tiết đầy đủ tên đề cử và hệ thống giải thưởng trước khi lên sóng.

Thế nhưng, đến khi chương trình bắt đầu lúc 20h, Khang và chị Ánh vẫn không nhận được một chữ nào về giải thưởng. Khang có yêu cầu đạo diễn gửi gấp kịch bản chi tiết, nhưng cũng không có phản hồi… Thậm chí trên sân khấu, Khang và chị Ánh còn không có tai nghe riêng dành cho MC như các chương trình trực tiếp cần có, để đạo diễn báo thời lượng hoặc có vấn đề gì cần MC chỉnh gấp trên sân khấu. Vì vậy, chúng tôi đã khá bị động và cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể trên sân khấu”.

Khi chưa hết ngán ngẩm vì Lễ trao giải Cánh diều 2016 quá nhiều sạn, dư luận lại “nóng” hơn vì đón nhận thông tin đạo diễn Lương Đình Dũng xin phép được trả lại bằng khen đã trao cho bộ phim Cha cõng con.

“Tôi tham dự giải Cánh diều năm nay một phần là tôn trọng giải thưởng quê nhà và một phần nữa là muốn mang một niềm vui trong lễ hội điện ảnh. Nhưng, sau khi tôi thấy bộ phim Cha cõng con không được cảm nhận một cách đúng nhất, tôi đã ra khu vực hàng ghế đầu nơi các giám khảo và quan khách ngồi. Sau đó, tôi giới thiệu bản thân, bộ phim và trịnh trọng xin trả lại Bằng khen cho Ban giám khảo. Vì, nếu không cảm nhận đúng về bộ phim thì Cha cõng con không xứng đáng nhận giải. Bản thân tôi cũng không muốn nhận, bởi tôi muốn để lại một sự trang trọng của Cha cõng con trong lòng độc giả và trong lòng tôi”, đạo diễn bộ phim Cha cõng con chia sẻ.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng khẳng định rằng ông trả lại bằng khen không phải vì muốn chơi trội: “Nếu ban tổ chức cấm trả giải thưởng đã trao thì tôi sẽ không bao giờ làm thế. Ngày hôm đó, tôi không chạy lên sân khấu nói to cho mọi người cùng biết mà rất tế nhị nói nhỏ, thì thầm với người có trách nhiệm. Bản thân tôi không muốn tạo scandal bằng cách này”.

Lễ trao giải Cánh diều được khởi xướng từ năm 2003 và từ đó đến nay, không năm nào là không có “sạn”. Bản thân công chúng luôn mong chờ được theo dõi một giải thưởng công bằng, uy tín và đêm trao giải chuyên nghiệp. Thế nhưng, dường như, sự chờ đợi, hy vọng của công chúng không được đền đáp xứng đáng khi liên tiếp những năm qua, họ liên tục phải nghe chuyện “nhặt sạn” hay tổ chức thiếu chuyên nghiệp.

Cánh diều 2016 được nhận xét, là không có gì nổi bật hơn so với những năm về trước, thậm chí đêm trao giải còn rất nhiều “sạn”. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, Cánh diều chắc chắn sẽ bị coi là giải thưởng thất bại. Không ít người nhận định, giải Cánh diều muốn không có “sạn” cần phải được làm mới trên tất cả các phương diện.

Có lẽ, đã đến lúc những người làm chuyên môn, các cấp quản lý cần phải nhìn thẳng để rút kinh nghiệm và thay đổi.

Thanh Lam/Theo báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP