Nỗ lực từ người dân
Sau hơn ba năm khởi công dự án gang thép lớn nhất Ðông – Nam Á do Tập đoàn Formosa đầu tư, đến nay bộ mặt của Kỳ Anh, một trong những huyện nghèo nhất nước đã có nhiều thay đổi. Dọc quốc lộ 1A, từ ngã ba Vũng Áng vào đến Ðèo Ngang, thay cho cảnh hoang vu trước đây là sự sôi động của trung tâm Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng với đại công trường dự án Formosa rộn vang tiếng máy cùng những ngôi nhà mới ở các khu TÐC và khách sạn, nhà hàng, văn phòng, đại lý vật liệu xây dựng… đang thi nhau mọc lên.
Gia đình anh Tưởng Ðức Việt, chị Thái Thị Lạc, xóm Liên Sơn, khu TÐC Kỳ Liên là một trong 19 hộ đầu tiên lên khu TÐC. Anh Việt cho biết: “Lên đây, cơ sở vật chất cùng điều kiện sống và nhà cửa tốt hơn nhiều lần so nơi ở cũ. Ðiều quan trọng là làm sao lo việc làm cho người dân mất đất, nhất là số người quá độ tuổi lao động. Giờ đây, có nhiều nhà đầu tư đến Kỳ Anh thì cơ hội việc làm cho thanh niên cũng nhiều hơn. Lớp trung niên như chúng tôi nếu chịu khó thì cũng có nhiều việc để làm: thợ xây, bốc vác đến chăn nuôi, trồng trọt… Giá ngày công lại cao, từ 250 đến 350 nghìn đồng/ngày, tăng gấp 2-2,5 lần so với cách đây vài năm. Tuy nhiên, cơ hội việc làm chỉ dành cho ai siêng năng, không dành cho những kẻ lười nhác và nằm chờ hỗ trợ”.
Hội trưởng Phụ nữ thôn Hoành Nam (xã Kỳ Liên) Trương Thị Nguyệt chia sẻ: Tôi đầu tư nuôi năm con lợn nái và 40 con lợn thương phẩm, mỗi tháng tôi thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, gia đình còn mở đại lý gạo và bán thức ăn chăn nuôi. Nhờ có KKT Vũng Áng, ba người con của chị Nguyệt đều có công việc ổn định. Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Văn Minh Quốc, nhờ sự hỗ trợ của cấp trên và sự năng động của người dân mà Khu TÐC Kỳ Liên đã thành lập được ba tổ hợp chăn nuôi với hơn 100 hộ dân, nuôi từ 15 đến 70 con/lứa, một hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hình thành chợ, mở các lớp làm mây tre đan cùng nhiều cửa hàng, ki-ốt, nhà hàng và dịch vụ khác. Từ số tiền đền bù, xã Kỳ Liên đã đầu tư hơn 50 xe Huynđai cùng năm máy công trình chuyên phục vụ mặt bằng dự án Formosa và mở 10 ga-ra sửa chữa ô-tô, trong số đó có ga-ra của anh Ðình Văn Thành luôn duy trì tốp thợ từ năm đến sáu người với thu nhập từ năm đến sáu triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, tỷ lệ số hộ nghèo trong xã còn lớn so với mặt bằng chung; số lao động chưa qua đào tạo và số lao động có việc làm chưa ổn định còn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nhiều hộ nông dân cần đất sản xuất nhưng thủ tục chia đất rừng triển khai còn chậm… Không chỉ Kỳ Liên mà các xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Long… nhường đất cho dự án Formosa, người dân đều đang nỗ lực tìm kiếm việc làm, phần lớn con em đều được gia đình lo cho đi học các trường nghề.
Nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết: Khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án Formosa và các dự án lớn khác thuộc KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho số lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất.
Hiện KKT Vũng Áng đã thu hồi đất sản xuất của 4.550 hộ với hơn 22 nghìn nhân khẩu, trong đó di dời gần 3.000 hộ lên các khu TÐC với gần chín nghìn lao động mất việc làm. Tỉnh đã chia số lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi; số lao động có thể đào tạo dài hạn, ngắn hạn và không đào tạo được… để có giải pháp tháo gỡ. Ðối với 1.053 lao động quá độ tuổi lao động chưa có chế độ chính sách, tỉnh có chính sách ưu tiên đặc biệt, cấp 15 kg gạo/tháng trong thời gian năm năm, kể từ năm 2010. Còn đối với gần tám nghìn lao động trong độ tuổi, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, KKT Vũng Áng cùng Kỳ Anh phối hợp tổ chức các ngày hội việc làm, tư vấn cho các lao động, giúp họ chủ động chọn nghề, đăng ký học nghề và tìm việc làm phù hợp. Ðồng thời, Hà Tĩnh phối hợp các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tuyển và đào tạo các ngành nghề đang cần, như cơ khí, hàn, điện, văn phòng, vệ sĩ… Nguồn lực này ra trường sẽ lần lượt được các doanh nghiệp (DN) nhận vào làm việc.
Các DN tại khu KKT Vũng Áng phối hợp tốt với địa phương để giải quyết việc làm cho lao động như Nhà máy điện Vũng Áng 1 đã tuyển được 500 kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Ðặc biệt, dự án Formosa ngoài việc tuyển hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật, hàng trăm vệ sĩ, còn tuyển lao động có trình độ trung học phổ thông ở các khu TÐC, sau đó cử đi đào tạo các ngành nghề liên quan (luyện kim, cơ khí, nhiệt điện, ngoại ngữ…). Formosa trả toàn bộ học phí và hỗ trợ tiền sinh hoạt cho mỗi học sinh một triệu đồng/tháng đi học nghề.
Vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động từ 50 tuổi trở lên mới là nỗi lo lớn của Kỳ Anh. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thu hồi 3.000 ha đất lâm nghiệp của Công ty Rau quả Hà Tĩnh để phân cho các hộ ở Khu TÐC có nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, công tác này triển khai còn chậm. Ðến nay, còn hơn 35% số dân đang chờ đất của Công ty Rau quả Hà Tĩnh chuyển sang để sản xuất. Cùng với đó, Hà Tĩnh đang tích cực tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau sạch, chăn nuôi tập trung, thành lập chợ đầu mối để vừa ưu tiên giải quyết số lao động đã lớn tuổi vừa cung cấp nguồn thực phẩm cho KKT Vũng Áng. Dự án này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn nông dân.
Tỉnh còn chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội cho hàng trăm hộ ở các khu TÐC vay vốn hơn 7,2 tỷ đồng đầu tư nuôi lợn siêu nạc theo hình thức trang trại gắn với bể xử lý khí thải bi-ô-ga và Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh đầu tư con giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Hiện, đơn vị này đang ưu tiên xây dựng trại giống lợn siêu nạc, quy mô 1.200 lợn nái ở Kỳ Phong (Kỳ Anh), với tổng mức đầu tư 89 tỷ đồng để cung cấp con giống theo nhu cầu phát triển của nông dân…
Tuy đang trong giai đoạn bắt đầu đầu tư dự án và người dân mới lên các khu TÐC được hơn hai năm, nhưng tỉnh, huyện đã tập trung giải quyết việc làm ổn định được khoảng 3.000 lao động. Hiện có khoảng 1.700 người không có khả năng đào tạo nghề vì trình độ văn hóa quá thấp hay sức khỏe yếu cũng đang được hướng đến việc học nghề nông để có thể tham gia trồng rau, nuôi lợn và làm các nghề phụ khác. Với cách làm trên, hy vọng trong vài năm tới, toàn bộ số lao động liên quan dự án Formosa và các dự án lớn ở KKT Vũng Áng sẽ có việc làm và thu nhập phù hợp.
THÀNH CHÂU
Nhân Dân