Thế giới

Giải mã bí ẩn lớn của nước Úc hoang dã

Các nhà nghiên cứu bang Victoria – Úc đang gần vén màn một trong những bí ẩn lớn: cuộc di cư của lươn nước ngọt.

Cuối tháng 1 vừa qua, báo The Sydney Morning Herald (SMH) cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tiên tiến và kiến thức cổ xưa để giải mã bí ẩn nói trên.

Theo họ, lươn nước ngọt sống trong những con lạch, đập và sông dọc bờ biển phía Đông nước Úc. Sau khi trưởng thành, chúng xuôi dòng vào đại dương, vượt hàng ngàn km đến vùng đất sinh sản nhiệt đới.

Ở đó, chúng sinh sản và chết đi. Ấu trùng trong suốt hình lá được cuốn vào dòng chảy phía Đông nước Úc về những vùng nước ngọt, từ bán đảo Cape York đến Tây Nam bang Victoria để bắt đầu một cuộc sống mới.

Trên đây là vòng đời của lươn nước ngọt tại Úc, chia làm 4 giai đoạn khác nhau từ khi còn là trứng cho đến lúc trưởng thành.

Lươn vây dài sống ở khu vực trải dài từ bán đảo Cape York tới Công viên Quốc gia Wilsons Promontory (Úc). Ảnh: SMH

Lươn vây dài sống ở khu vực trải dài từ bán đảo Cape York tới Công viên Quốc gia Wilsons Promontory (Úc). Ảnh: SMH

Nhà sinh thái học Jarod Lyon cùng các đồng nghiệp đến từ Viện Arthur Rylah (Úc) dự kiến làm sáng tỏ những chi tiết trong vòng đời của lươn nước ngọt, vốn bị xem là bí ẩn bấy lâu nay.

Vào tháng 4 tới, các nhà nghiên cứu sẽ gắn thẻ vệ tinh cho những con lươn vây ngắn trước khi chúng bước vào hành trình đến nơi sinh sản.

Những chiếc thuyền nghiên cứu đi qua biển San hô đã tìm thấy một lượng lớn ấu trùng lươn. Vì vậy, người ta cho rằng nơi sinh sản của lươn nằm đâu đó giữa New Caledonia và New Guinea.

Lươn vây dài sống ở khu vực trải dài từ bán đảo Cape York tới Công viên Quốc gia Wilsons Promontory (Úc). Trong khi đó, lương vây ngắn trú ngụ ở phía Bắc bang New South Wales đến Tây Nam bang Victoria.

Quãng đường di cư của chúng có thể dài tới 5.000 km và mất hơn 1 năm, có thời gian không ăn uống gì. Thời điểm lươn bắt đầu di cư dao động từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm.

Nhà sinh thái học Lyon cho biết cả lươn vây dài và lươn vây ngắn đều tới cùng khu vực sinh sản nhưng dường như chúng không giao phối với nhau. Nếu vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy lươn vây trung bình.

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP